"Rắn 7x" sung sức trên văn đàn

ANTĐ - Năm 2012 khép lại với những sôi động của văn chương. Và góp mặt vào sự sôi động ấy là 3 gương mặt tuổi rắn là Bình Nguyên Trang, Uông Triều và Nguyễn Trương Quý. Mỗi người một phong cách, nhưng họ đã có những nỗ lực để đón năm tuổi của mình.

Uông Triều - Bình Nguyên Trang - Nguyễn Trương Quý 

1. Năm 2012 có thể nói là một năm đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Bình Nguyên Trang. Sẽ có người bảo, chị vẫn ở đấy, vẫn làm thơ viết báo hàng ngày, đi đâu mà trở lại? Tuy nhiên, công bằng mà nói, sau một thời gian khá “im ắng”, do áp lực của nghề phóng viên, Bình Nguyên Trang chỉ thi thoảng in thơ lẻ lác đác trên các báo. Tính từ tập thơ mới nhất của Bình Nguyên Trang đến khi chị tiếp tục in thơ cũng đã ngót nghét 7 năm. Giải thích về điều này, Bình Nguyên Trang cho biết, chị muốn sự kỹ lưỡng cho một sản phẩm mới. Có lẽ cũng vì thế mà Trang không sốt ruột hay tìm cách tô đi tô lại cái tên của mình trên mặt báo cốt để khỏi biến mất trước mắt bạn đọc. 

Thêm một ý nữa để khẳng định cho sự trở lại của Trang, đó là trong năm 2012 chị in 3 tập sách, một tập thơ có tên “Những bông hoa đang thiền”, một tập truyện ngắn có tên “Mùa đom đóm mở hội” và một tập chân dung nghệ sĩ có tiêu đề “Sông của nhiều bờ”. Ngoài thơ và báo, bạn đọc còn thấy một Bình Nguyên Trang khác ở lĩnh vực văn xuôi. Nhưng một điều gì đó chưa toàn vẹn (nếu có thể gọi là tiếc) cho Trang, ấy là dấu ấn của các tập sách chưa thực sự như mong đợi. Đương nhiên giải thưởng chẳng phải là thứ gì to tát và có thể chính Trang cũng chẳng mấy quan tâm đến điều ấy, nhưng, cuối năm, trong danh sách các giải thưởng văn học chưa thấy tên của chị được nhắc đến và trong danh sách kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam cũng không thấy tên chị, tuy rằng trước đó vài tháng chị đã là hội viên mới của Hội Nhà văn Hà Nội. Trang có tự trọng của một người làm thơ, chị không quá vồn vã nếu như không muốn nói là có phần rụt rè trước những thứ được coi là danh vọng. Tuy thế, cũng hơi tiếc cho một năm nỗ lực của cây bút 7X xuất hiện trên văn đàn từ thuở “Hoa học trò” và có nhiều bạn đọc yêu mến. 

2. Một gương mặt đang dần trở nên quen thuộc trong làng văn, đó là Nguyễn Trương Quý. Có lẽ tên tuổi của Quý chính thức được định hình trong làng văn khi bộ sách 3 cuốn về Hà Nội được ấn bản - tái bản dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Tự nhiên như người Hà Nội; Ăn phở rất khó thấy ngon; Hà Nội là Hà Nội.  Có ý kiến nói rằng, bộ sách của Quý xứng đáng được tôn vinh ở giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội”. 

Năm 2012, Nguyễn Trương Quý tiếp tục ra mắt cuốn sách thứ 4 mang tên “Xe máy tiếu ngạo”. Nếu như năm qua cũng đánh dấu sự ra đi của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, trước đó là sự ra đi của nhà văn Băng Sơn thì vài năm nay, đây đó, ai đó đã gọi Quý là người yêu Hà Nội, nhà Hà Nội học… Với Quý, danh xưng này có thể là sớm, nhưng người ta có thể tin, sẽ có một thế hệ những người trẻ yêu Hà Nội theo cách của họ, không giống như kiểu yêu của những người đi trước. Ổn định, quyết liệt và trung thành với dòng tản văn mà Quý gọi là tiểu luận, bên cạnh đó năm 2012 cũng là năm cho thấy sự chuyển mình của Quý. Một số truyện ngắn trên báo Tuổi trẻ cuối tuần, Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ khiến những bạn bè đồng nghiệp tin hơn vào nội lực của Quý. Quý đã dựng lên một cánh cửa để mọi người tò mò xem đằng sau cánh cửa ấy có những gì. Và chiếc chìa khóa đang nằm trong tay chàng trai tuổi rắn biên tập viên của Nhà xuất bản Trẻ.

3. Một cái tên xuất hiện khá muộn trong làng văn nhưng vẫn khiến bạn đọc nhớ ngay: Uông Triều. Từ truyện ngắn “Đôi mắt Đông Hoàng” trên Văn nghệ Quân đội ba năm trước, bây giờ Uông Triều đã thành người của Văn nghệ Quân đội, rời công việc giảng dạy của một thầy giáo Anh ngữ để chuyển hẳn sang viết lách và làm báo. 

Năm 2012 Uông Triều tiếp tục xuất hiện với một số truyện ngắn dự thi trên Báo Văn nghệ. Anh cũng là một cái tên sáng, một ứng viên nặng ký của giải thưởng cuộc thi được cho là sang trong giới cầm bút do tuần báo của Hội Nhà văn tổ chức. Thậm chí, trong tọa đàm về truyện ngắn dự thi trên Báo Văn nghệ, nhà phê bình Bùi Việt Thắng đã thẳng thắn: Nếu chọn top 3 giải thưởng cao nhất tôi sẽ chọn Uông Triều. Ngoài ra anh cũng nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhà văn, nhà phê bình khác để trở thành một cái tên sáng trên con đường tiến đến bục vinh quang. 

Tuy nhiên, điều đáng nói ở Uông Triều lại là phần đang còn chìm trước truyền thông. Anh đang âm thầm mai binh phục tướng một lúc song hành 3 tiểu thuyết. Và để lưu giữ bản thảo làm vật chứng kỷ niệm sau này, anh đã quyết định nói không với bàn phím, chọn cách thức truyền thống mà đại bộ phận dân viết đã ly khai: cạo giấy. Như thế, có thể danh hiệu “con khủng long cuối cùng của nền viết tay” do nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên phong cho nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tại tọa đàm về tiểu thuyết của ông ở Viện Văn học năm qua có thể sẽ phải sửa lại, vì khủng long sẽ không tuyệt chủng. Có điều gì đáng sốt ruột thì là việc bản thảo một trong ba tiểu thuyết của Uông Triều ban đầu có tên “Hoang tàn” được tác giả “rao” trên báo khá lâu nhưng vẫn chưa thấy xuất hiện. Hiện “Hoang tàn” đang nằm ở Nhã Nam, theo như tác giả thông tin thì nó đã được in và sẽ ra mắt vào đầu năm 2013 với một cái tên khác. Đội ngũ nhà văn trẻ ở nhà số 4 đã có một số lời tuyên bố về kế hoạch 3 tiểu thuyết và cũng đã có một số lời tuyên bố được hiện thực hóa, đó là nhà văn Nguyễn Đình Tú, nhà văn Phùng Văn Khai, hi vọng Uông Triều sẽ là cái tên tiếp theo trong danh sách “khủng long bạo chúa” lập cú hattrick tiểu thuyết.