Rải tiền lẻ ra đường trong đám tang có thể bị phạt tới 15 triệu đồng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước cho biết, hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, cơ quan này nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn liên quan đến tình trạng rải tiền lẻ trong các đám hiếu. Cụ thể, cử tri phản ánh tình trạng người dân rải ra đường những đồng tiền Việt Nam đồng mệnh giá nhỏ, trên đó có in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và danh lam thắng cảnh của đất nước.

“Đây là việc làm phản cảm, mất thẩm mĩ, trái với quy định của pháp luật. Đề nghị có quy định cấm hủy hoại hình ảnh đồng tiền Việt Nam được Nhà nước phát hành, trong đó có chế tài xử lý những hành vi trên” – cử tri kiến nghị.

Việc rải tiền lẻ trong đám tang là nghi thức được duy trì lâu nay tại nước ta

Việc rải tiền lẻ trong đám tang là nghi thức được duy trì lâu nay tại nước ta

Trả lời vấn đề trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay đã có các quy định về bảo vệ tiền Việt Nam và xử phạt đối với hành vi huỷ hoại hình ảnh đồng tiền Việt Nam được Nhà nước phát hành.

Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định mức phạt tiền “từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật”.

Tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 87/2023/NĐ-CP ngày 08/12/2023 của Chính phủ về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam quy định: “Hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật là hành vi cố ý làm rách nát, hư hỏng, biến dạng tiền Việt Nam”.

Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định 87 quy định: “…cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền của quân đội xác minh, kết luận đối với tiền rách nát, hư hỏng hoặc biến dạng nghi do hành vi hủy hoại trái pháp luật”.

Trên thực tế, mặc dù việc rải tiền lẻ ra đường trong đám tang là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng nó lại tồn tại từ rất lâu nay và nhiều người xem như là một “nghi thức” bắt buộc trong lễ đưa tang. Dù đã có quy định xử phạt như trên, song hầu như chưa có trường hợp nào bị xử phạt, dẫn đến tình trạng này vẫn tồn tại đến nay.