“Rác viễn thông” lại “dội bom” người dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau vài tháng người dùng điện thoại di động, Internet được tạm “yên ổn” vì không bị “rác viễn thông” quấy nhiễu, thời gian gần đây, tin nhắn rác, cuộc gọi rác và thư điện tử rác đã quay trở lại.
Tin nhắn rác mời gọi chơi game lại liên tục gửi tới người dùng điện thoại

Tin nhắn rác mời gọi chơi game lại liên tục gửi tới người dùng điện thoại

Theo phản ánh của anh B- chủ thuê bao 0976xxxxxx, những ngày gần đây, thuê bao của anh B liên tục nhận được cuộc gọi quảng cáo dịch vụ.

“Chỉ riêng ngày 14-6, tôi nhận được 2 cuộc gọi giới thiệu, tư vấn đầu tư tài chính từ các số: 0911980110 vào khoảng trưa và số 0866205066 vào buổi chiều. Khi tôi bực bội nói không có tiền đầu tư thì đầu dây bên kia nói không mời tôi đầu tư, mà chỉ tư vấn dịch vụ, gửi tin tức qua zalo”- anh B nói.

Tương tự, chủ thuê bao 0936.xxxxxx cũng cho hay, thường cứ cách một ngày thuê bao này lại nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, mời gọi đầu tư chứng khoán và tư vấn dịch vụ tài chính. “Chưa kể, số điện thoại của tôi khá đẹp nên nhiều người gọi điện, nhắn tin hỏi mua số”- chủ thuê bao này nói.

Theo phản ánh của người dùng điện thoại, tin nhắn rác quảng cáo, mời chơi game… cũng liên tục gửi đến nhiều thuê bao.

Chị H, chủ thuê bao 0985.xxxxxx cho hay: “Sáng 14-6, tôi nhận được 2 tin nhắn quảng cáo dịch vụ. Một là từ số máy +84344022840 mời chơi game với nội dung: u4jK Cong game 3Kinggame Hotgame…; 1 tin khác là từ số máy +84334529743 với nội dung: aClo Tai APP: twin788.com nhan ngay 88k… Do không phải là đầu số trong nước nên tôi không nhắn lại nhưng tin nhắn rác lại xuất hiện khiến tôi rất bất bình”. Trước đó vài ngày, chị H cũng nhận được tin nhắn có nội dung tương tự từ số máy lạ.

Đối với thư điện tử rác, với người còn dùng yahoomail, email rác xuất hiện rất nhiều, từ mời gọi đầu tư tài chính cùng Tonny Robbins đến quảng cáo khẩu trang WAKAMON, quảng cáo cách tẩy trắng răng tại nhà…

Một người dùng yahoomail cho biết: “Gần đây, có ngày tôi nhận được 4-5 mail quảng cáo tương tự như trên. Hòm thư luôn báo thư mới, mở ra rất mất thời gian”.

Trong khi đó, người dùng Gmail phản ánh nhận được mail quảng cáo dự án bất động sản. Tuy nhiên, tần suất nhận được thư rác của người dùng Gmail không nhiều.

“Rác viễn thông” là hiện tượng nhức nhối, gây bất bình dư luận trong thời gian khá dài. Để ngăn chặn rác viễn thông, Bộ TT-TT đã yêu cầu các doanh nghiệp liên quan, đặc biệt doanh nghiệp viễn thông có biện pháp chặn lọc bằng giải pháp kỹ thuật, thậm chí xử phạt, cắt liên lạc thuê bao vi phạm.

Trên thực tế, không ít thuê bao đã bị cắt liên lạc và doanh nghiệp vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính. Rác viễn thông đã giảm mạnh trong một thời gian, tuy nhiên đến nay lại xuất hiện khá nhiều.

Tại cuộc họp giao ban quản lý Nhà nước quý II-2021 vừa diễn ra của Bộ TT-TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc lại nhiệm vụ chặn rác viễn thông với các đơn vị trực thuộc và doanh nghiệp liên quan. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm chỉ đạo doanh nghiệp có biện pháp mạnh mẽ nhất để xử lý triệt để trong năm 2021 đối với vấn đề SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác…

“Số điện thoại di động sẽ được sử dụng làm định danh số, định danh người dùng trên các nền tảng xã hội, thanh toán mobile money, bởi vậy số điện thoại phải được xác định chính xác”- Bộ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Sở TT-TT Hà Nội mới đây cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ TT-TT có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin thuê bao theo đề nghị của Sở TT-TT để có cơ sở dữ liệu và đủ điều kiện xác định hành vi vi phạm của chủ thuê bao để xử lý vi phạm về tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Trả lời Sở TT-TT Hà Nội, Bộ TT-TT cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Viễn thông ban hành văn bản số 565/CVT-HTKN ngày 03/02/2020 gửi các doanh nghiệp viễn thông và Sở TT-TT các tỉnh/thành phố.

Theo đó, đối với các thuê bao được xác định có hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ quy định tại điểm c Khoản 4 Điều 6 Luật Viễn thông, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin cho Sở TT-TT (cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin và truyền thông tại địa phương) để liên hệ/xác minh thuê bao nhằm xem xét, xử lý.