Rắc rối từ một hợp đồng mang thai hộ

ANTĐ - Một phụ nữ Thái Lan mang thai hộ một cặp vợ chồng người Australia rồi sinh đôi một trai một gái. Cặp vợ chồng người Úc đưa bé gái khỏe mạnh về, để lại bé trai mắc bệnh tim bẩm sinh, viêm phổi và hội chứng Down. Vụ việc không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến mang thai hộ.

Bé Gammy đang được người mẹ Thái Lan chăm sóc tại bệnh viện

Diễn biến bất ngờ

Câu chuyện được truyền thông Thái Lan phản ánh từ tuần trước đã thu hút sự quan tâm của dư luận khắp thế giới bởi những tình tiết khá éo le. Đó là trường hợp một cặp vợ chồng người Australia không thể thụ thai một cách tự nhiên nên đã tìm người mang thai hộ bên Thái Lan. Chị Pattharamon Chanbua, 21 tuổi, một phụ nữ bán đồ ăn dạo đã có 2 con sống ở thị trấn ven biển Sri Racha, cách Thủ đô Bangkok 90km là người được chọn. Cặp vợ chồng người Úc đã trả 16.000 USD cho Pattharamon để chị mang thai hộ. “Số tiền đó là rất lớn đối với tôi. Với số tiền đó, chúng tôi có thể cho con cái đi học và trả nợ”, Pattharamon chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn ở Chonburi.

Theo lời Pattharamon kể với hãng tin ABC, chị mang thai song sinh, đến tháng thứ 4 thì kiểm tra phát hiện bé trai mắc chứng Down. Sau khi biết tin này, cặp vợ chồng người Úc đã yêu cầu chị phá thai. Là người theo đạo Phật, Pattharamon từ chối đề nghị đó. Khi cặp song sinh được sinh ra tại Bangkok, cặp vợ chồng giấu tên đã đưa bé gái khỏe mạnh về và từ chối nhận bé trai Gammy. Đáng nói là Gammy, hiện 7 tháng tuổi đang ốm rất nặng bởi bệnh tim bẩm sinh.

Ngay khi được đăng tải, câu chuyện khiến dư luận bức xúc, lên án hành vi nhẫn tâm, đáng xấu hổ của cặp vợ chồng Úc kia. Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm 2-8 cho rằng “Đó là một câu chuyện rất, rất buồn”. Theo Daily Mail ngày 3-8, đã có hàng chục người Úc đề nghị nhận nuôi bé Gammy nhưng Pattaramon khẳng định sẽ chăm sóc bé như con ruột. Trong khi đó, chiến dịch quyên góp qua mạng đã nhận được hơn 220.000 USD, một con số ấn tượng để làm quỹ chữa bệnh và chăm sóc bé Gammy lâu dài.

Nhưng rắc rối nảy sinh ở chỗ, cặp vợ chồng được cho là nhẫn tâm bỏ mặc đứa con bệnh tật của mình kia đã phản bác lại, cho rằng sự thật không phải như vậy. Hai vợ chồng đang sống ở West Australia, bang rộng nhất nước này trong một tuyên bố ngắn với một tờ báo địa phương Bunbury Mail chiều 6-8 cho biết, họ không bỏ rơi bé Gammy. Hồi đó, các bác sỹ bệnh viện cho biết bé Gammy quá yếu, bị bệnh trọng và khó qua khỏi. Pattharamon bảo muốn giữ Gammy và sẽ làm lễ an táng cho bé theo phong tục người Thái. Sợ chị này đổi ý, dẫn đến tranh cãi pháp lý, họ phải rời đi sớm vì lo có thể không mang được bé gái khỏe mạnh về Úc.

Còn kẽ hở pháp lý

Phần lớn các quốc gia cấm đẻ thuê, nhưng luật chưa nghiêm và chưa thống nhất nên đã tạo cơ hội cho nạn đẻ thuê phát triển. Hiện Úc mới chỉ cấm mang thai hộ trong nước, do đó thống kê cho thấy mỗi năm có 400-500 trường hợp dân Úc sang nước ngoài như Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ… để nhờ người mang thai hộ. Tuy nhiên, sau sự việc này, Australia sẽ siết chặt việc nhờ mang thai hộ quốc tế. Trong khi đó, mặc dù chính quyền Thái Lan đang siết chặt chọn lọc giới tính qua thụ tinh ống nghiệm và nhờ đẻ thuê nhưng rõ ràng thực trạng này đang phát triển mạnh. Theo Bangkok Post, Bộ Y tế Thái Lan đã mở cuộc điều tra vụ bê bối liên quan đến Gammy, cơ sở y tế hay cá nhân bị phát hiện sai phạm sẽ bị kỷ luật như thu hồi giấy phép, đình chỉ hoặc bị quản chế. 

Chưa biết câu chuyện sẽ đi đến đâu và số phận của Gammy bé bỏng thế nào nhưng sự việc đưa đến những nhìn nhận thẳng thắn hơn về mặt trái của mang thai hộ. Nếu không kiểm soát được, các hoạt động này có thể dẫn đến lạm dụng hoặc thương mại hóa phụ nữ, trẻ em. Mang thai hộ cũng không tránh được rủi ro, vì vậy, nhiều người kêu gọi hãy đối xử công bằng với đứa trẻ sinh ra “không hoàn thiện” như Gammy.