Rắc rối từ chiếc xe đạp

ANTĐ - Vì muốn rèn luyện thể lực và tiết kiệm được khoản xăng xe trong thời buổi kinh tế khó khăn, 1 tuần nay, chị Nguyễn Thanh Nga, ở quận Long Biên quyết định đạp xe đến cơ quan. Tuy nhiên, chị Nga đã gặp phải không ít phiền toái, lẫn bực mình…
Rắc rối từ chiếc xe đạp ảnh 1
Mặc dù đi xe đạp là giải pháp tiết kiệm và bảo vệ môi trường,
nhưng nhiều người cũng gặp không ít phiền toái từ loại hình này. (ảnh minh họa)


Bỗng nhiên bị coi thường

Chị Nga cho biết, trong khi nhiều nước trên thế giới coi việc đi xe đạp đến công sở như một hành động văn minh để bảo vệ môi trường sống và giữ gìn sức khỏe thì nhiều người Việt lại có quan niệm “xe đạp chỉ dành cho người thu nhập thấp”. Chẳng thế mà từ hôm chị đạp xe đi làm, thái độ của anh bảo vệ nơi văn phòng chị làm việc khác hẳn. “Thời gian trước, nhìn thấy tôi là anh ta đon đả chào hỏi. Vậy mà hôm trước, thấy tôi gửi xe đạp trong bãi xe anh ta trả lời lạnh tanh: “Từ trước đến nay văn phòng có in vé xe đạp đâu mà gửi, nếu muốn gửi chị phải tìm chỗ khác”. Mặc dù rất bực mình nhưng chị Nga vẫn nhã nhặn: “Đã là nơi trông giữ xe cho nhân viên thì anh không nên nói như vậy. Xe nào thì cũng là phương tiện đi lại”. Nghe chị Nga nói vậy anh ta vẫn tỏ thái độ khinh khỉnh, không hài lòng. Thậm chí, sau khi nhắc nhở chị Nga để gọn chiếc xe đạp ở cuối khu vực để xe, anh ta còn nói với theo: “Tôi chỉ trông hôm nay thôi, hôm sau chị phải tìm chỗ khác mà gửi”. “Chắc anh ta nghĩ cuộc đời tôi đang xuống dốc không phanh nên mới có thái độ như vậy. Đúng là nực cười”- chị Nga kể lại.

Nhiều người cho biết không ít lần họ đã bị các bãi gửi xe “từ chối”, chưa kể người đi xe đạp còn bị phân biệt đối xử theo nhiều cách khác nhau khi lưu thông trên đường, vào quán ăn, nhà hàng hay đi mua sắm. Bạn Nguyễn Thu Hằng, sinh viên trường ĐH Bách khoa chia sẻ dù rất thích đi xe đạp nhưng khổ nỗi cứ vào giờ cao điểm thì ngoài chuyện mật độ giao thông đông đúc,  Hằng còn phải chịu “hít” khói ô tô, xe buýt trên đường. Thậm chí khi đi mua sắm, thấy Hằng đi xe đạp nhân viên bán hàng cũng chẳng thèm mời, thậm chí còn tưởng Hằng đang đi kiếm việc làm thêm….

Bói không ra nơi sửa 

Thời gian gần đây, việc giá xăng tăng liên tục đã khiến  nhiều người bỏ xe máy chuyển sang xe đạp. Anh Dương Anh Tuấn - nhân viên một công ty truyền thông cho hay, từ ngày xăng tăng giá, chi phí xăng xe của anh cũng tăng đáng kể. Chưa kể, tiền gửi xe cũng đã tăng lên 5.000 đồng/lượt, tổng cộng mỗi ngày chiếc xe tiêu tốn từ 30.000- 40.000 đồng. Chơi với một nhóm bạn, ai cũng có xe đạp nên anh quyết định “tậu” một cái. “Nếu như công việc của tôi chỉ phải đến văn phòng 8 tiếng, xử lý công việc tại chỗ thì xe đạp là giải pháp tối ưu. Đằng này, do đặc thù công việc phải chạy đi, chạy lại mà cứ lọc cọc xe đạp thì có đến tối cũng không xong việc. Chưa kể, tôi phải trả thêm tiền “xe ôm” những lúc đi ra ngoài thì coi như tiêu chí tiết kiệm cũng bằng không”- anh Tuấn Anh than phiền.

Nhiều người còn cho biết, do nhu cầu sử dụng xe đạp những năm gần đây dần mất đi nên để tìm được quán sửa xe đạp ven đường là rất khó. Không ít người phải dắt bộ hàng cây số mới tìm được điểm sửa xe khi gặp những sự cố trên đường. Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe đạp ở quận Hai Bà Trưng thì việc người dân sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại ngày càng nhiều, đặc biệt là giới công chức và những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn xe đạp làm phương tiện đi lại, mọi người nên cân nhắc và xem xét đặc thù công việc của mình. Nếu làm việc cố định tại văn phòng thì sử dụng phương tiện này là hợp lý, còn nếu công việc hay phải di chuyển thì chưa chắc yếu tố tiết kiệm thời gian và tiền bạc được coi là giải pháp an toàn.