Rắc rối pháp lý

(ANTĐ) - Tổng thống Barack Obama đang phải đối mặt với rắc rối pháp lý liên quan tới cuộc chiến tranh Libya mà ông đã ra lệnh cho quân Mỹ tham chiến 3 tháng trước.
Rắc rối đến từ đơn kiện của một nhóm gồm 10 nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ngày 15-6 vừa qua, nhóm này đã đệ đơn kiện Tổng thống Obama về việc đã đưa Mỹ tham gia vào chiến dịch can thiệp quân sự ở Libya mà chưa nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội. Chi tiết nội dung đơn kiện chưa được tiết lộ cho đến khi toà án thụ lý vào đầu tuần tới, song giới quan sát cho rằng các nghị sĩ chắc sẽ cáo buộc chính quyền Obama vi phạm Luật Quyền chiến tranh năm 1973. Điều luật ban hành gần 40 năm trước cấm quân đội Mỹ tham gia cuộc chiến tranh dài quá 60 ngày mà không được phép của Quốc hội.
Rắc rối pháp lý  ảnh 1
Cuộc chiến tranh Libya đang gây rắc rối pháp lý cho Tổng thống Obama
Nếu quá thời gian trên mà không nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội thì quân đội Mỹ buộc phải chấm dứt hành động can thiệp vào cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, luật cũng cho phép Tổng thống có thêm 30 ngày để rút quân nên nếu sau 90 ngày mà quân Mỹ vẫn chưa rút khỏi cuộc chiến chưa được phép của Quốc hội là vi phạm luật pháp. Là những thành viên đã ký đơn kiện gửi Toà án liên bang Mỹ, hai nghị sĩ Dennis Kucinich (Dân chủ) và Walter Jones (Cộng hòa) chỉ trích Tổng thống Obama đã không thông qua Quốc hội khi đưa nước Mỹ tham chiến tại Libya đêm 19-3. Theo hai nghị sĩ này, cơ quan duy nhất được quyền tuyên bố chiến tranh và cho phép sử dụng vũ lực quân sự của Mỹ ở nước ngoài theo quy định của Hiến pháp Mỹ là Quốc hội nước này. Chính vì thế, theo nghị sĩ Kucinich, chính quyền Tổng thống Obama đã vi phạm luật pháp Mỹ khi phát động tham gia cuộc chiến Libya mà không thông qua Quốc hội. Nhóm nghị sĩ tuyên bố họ phát đơn kiện để yêu cầu tòa án có hành động bảo vệ nhân dân Mỹ khỏi những hậu quả của chính sách sai lầm. Ngay trong ngày các nghị sĩ đệ đơn kiện lên toà án, Nhà Trắng đã gửi một báo cáo chi tiết dài 32 trang tới Quốc hội, trong đó nêu rõ các mục tiêu về việc can thiệp quân sự của Mỹ ở Libya. Nhà Trắng khẳng định, Tổng thống Obama có quyền về mặt pháp lý để ra lệnh cho quân Mỹ tham gia vào chiến dịch quân sự chống Libya. Lập luận mà Nhà Trắng đưa ra là quân Mỹ tham gia vào chiến dịch của liên quân NATO ở Libya chỉ đóng một vai trò mang tính hậu thuẫn và hỗ trợ. Vai trò đó không giống với định nghĩa “các hành động thù địch” được miêu tả trong Luật Quyền chiến tranh năm 1973 của Mỹ vì thế Tổng thống Obama không cần phải trình Quốc hội phê chuẩn. Đây là lần thứ hai Tổng thống Obama phải đối mặt với phiền toái từ cuộc chiến tranh Libya sau lần Thượng viện thông qua nghị quyết không bắt buộc khiển trách ông hồi đầu tháng này. Rắc rối pháp lý mới sẽ trở nên nghiêm trọng nếu Tổng thống Obama không nhận được sự chấp thuận của Quốc hội cho cuộc chiến tranh Libya vào ngày 18-6 tới, tức là hết thời hạn 90 ngày theo Luật Quyền chiến tranh năm 1973.