Rắc rối khối tài sản nghìn tỷ đồng

ANTĐ - Những ngày gần đây, dư luận cả nước xôn xao về câu chuyện bà Thạch Kim Phát (66 tuổi, trú tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) qua đời, để lại khối tài sản có trị giá cả nghìn tỷ đồng. Mặc dù, khối tài sản này được Thừa phát lại, quận Bình Thạnh mời chị T.H.H.L (con nuôi bà Phát) đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mở két, trao trả nhưng sau đó đã gặp phải những rắc rối không nhỏ.

Một trong số nhiều nhà xưởng của bà Phát cho thuê (Ảnh: VNN)


Bí ẩn khối tài sản khủng

Là người giàu có nhưng trước khi qua đời, bà Thạch Kim Phát sống khá giản dị, không giống như những người “lắm tiền nhiều tật”, thích chơi ngông, khoe của. Những năm đầu sau giải phóng, bà Phát làm bún gạo. Đây là nghề bà được cha mẹ truyền lại. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, theo năm tháng, cơ ngơi của bà cứ thế lớn dần. Để phát triển sản xuất, bà Phát phải mượn đất để làm sân phơi bún.

Một thời gian sau, toàn bộ số tiền tích cóp được, bà Phát chuyển sang kinh doanh bất động sản,  xây nhà cho thuê. Rất nhiều nhà xưởng, đất đai trên địa bàn quận Tân Phú thuộc quyền sở hữu của bà. Dù có rất nhiều tiền nhưng bà Phát không hề khoe mẽ bản thân mà thường xuyên, âm thầm đi làm từ thiện. Sau khi bà qua đời, ngày 26-3-2012, bản hợp đồng thuê ngăn tủ sắt chứa tài sản của bà tại Sacombank hết hạn, ông K.T.Ph (em trai bà Phát), muốn gia hạn hợp đồng nhưng chị T.H.H.L lại muốn rút tài sản về.

Do hai bên không thống nhất được nên ngày 23-5, ngân hàng tiếp tục gửi thông báo cho ông Ph và chị T.H.H.L với nội dung: “Nếu bên thuê chỉ có một người đến nhận những tài liệu, tài sản chứa trong ngăn tủ sắt, Sacombank sẽ bàn giao cho người đến nhận và được miễn trừ toàn bộ trách nhiệm liên quan”. Tại buổi làm việc vào sáng 30-5, chị T.H.H.L muốn rút tài sản trong tủ sắt về nhưng ông Ph không đồng ý. Sáng 31-5, ông Ph gửi đơn tới Sacombank với nội dung tài sản trong két sắt đang có tranh chấp, đề nghị ngân hàng cho gia hạn thêm thời gian để giải quyết thì được bên ngân hàng trả lời đã thanh lý số tài sản trong két sắt cho chị T.H.H.L.

Điều đáng nói, khi két sắt được Sacombank mở trao cho chị T.H.H.L cho thấy, khối tài sản bên trong có giá trị lên đến cả nghìn tỷ đồng bao gồm những giấy tờ nhà đất; tiền mặt và gần 20 sổ tiết kiệm trị giá hàng trăm nghìn USD cùng nhiều tỷ đồng, thẻ hạng VIP của nhiều ngân hàng và một ngăn chứa gần 100 lượng vàng, nữ trang; đá quý để trong các túi nhỏ... nhưng không có di chúc kèm theo, khiến cho những cơn “sóng gió” về tranh chấp thừa kế thêm phần căng thẳng.

“Mệt” vì phân định di sản

Nhiều sổ tiết kiệm trong két sắt của người quá cố để lại

Phân tích về những xung đột trong vụ việc này, luật sư Trịnh Anh Dũng - Trưởng VPLS Trịnh (thuộc Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng: Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 675 - Bộ luật Dân sự năm 2005, do bà Phát chết không có di chúc nên thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật. Vì bà Phát không có chồng và con đẻ, nên trong trường hợp này, người được hưởng di sản thừa kế của bà Phát trước tiên thuộc về những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi (nếu có) của bà Phát. Những người này phải xuất trình được Giấy chứng nhận nuôi con nuôi do UBND cấp xã cấp.

Còn luật sư Nguyễn Hữu Tuấn (thuộc Đoàn LSTP Hà Nội), việc Sacombank mở két, trao gần 20 cuốn sổ tiết kiệm cho cô T.H.H.L với lý do vì cô T.H.H.L và ông Ph đã hết thời hạn thuê két sắt nếu chỉ có cô T.H.H.L chấm dứt hợp đồng thì sẽ không đúng vì ông Ph và cô T.H.H.L cùng thuê.

Tuy nhiên, theo lý do mà Sacombank đưa ra, do ông Ph đã có một khoảng thời gian khá dài được Sacombank thông báo nhưng  không đưa ra được chứng cứ nào cho thấy số tài sản đó liên quan đến mình. Đồng thời, Sacombank nhiều lần yêu cầu thanh lý hợp đồng thuê két sắt nhưng ông Ph chưa thực hiện vì vậy buộc Sacombank trả lại những tài sản trên cho cô T.H.H.L là đúng nhưng cần phải nhớ, những sổ tiết kiệm này phải được pháp luật công nhận cô T.H.H.L là người được hưởng thừa kế, khi  đó các ngân hàng mới cho T.H.H.L rút tiền. Một điểm khác, nếu căn cứ vào các điều khoản các bên đã ký trong thời gian thực hiện hợp đồng mà bên nào vi phạm, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia thì bên bị xâm hại lợi ích có quyền khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu được bồi thường thiệt hại.