Rác đầy “nhà”, chính quyền kêu khó!

ANTĐ - Ý thức của người dân còn thấp, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thiếu thốn cộng thêm sự yếu kém của các cơ quan quản lý... đã tạo điều kiện cho rác thải hoành hành ở các huyện phía Tây Hà Nội. Bài toán rác thải ngoại thành đã có từ khi Hà Nội mở rộng song tới nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Rác đầy “nhà”, chính quyền kêu khó! ảnh 1
Những bãi rác tự phát bốc mùi hôi thối nằm ngay sát đường giao thông

 (Ảnh chụp đoạn đường thị trấn Liên Quan (Thạch Thất) đi thị xã Sơn Tây)

Tiện đâu vứt đấy

Con kênh dưới chân cầu Đồng Mô 2, thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất (Hà Nội) lâu nay đã trở thành điểm xả rác của người dân. Hàng trăm bịch nilon trải dài theo dòng nước, các loại rác thải từ quần áo cũ, vỏ thuốc trừ sâu, kim tiêm, gạch vữa... đều được trút xuống lòng kênh. Ruồi muỗi ken đặc. Mùi hôi thối đặc trưng của rác bốc lên nồng nặc. Cách đó không xa, đường dẫn vào Nội Thôn, xã Phú Kim cũng ngập ngụa rác. Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân sống ở khu vực này cho biết, nhiều người dân vẫn có thói quen tiện đâu vứt đấy. “Những nhà có vườn rộng thì vứt ra vườn. Nhưng sợ nhất là các loại túi nilon không thể phân hủy, gà vịt ăn vào hóc chết luôn. Người ta cứ gói thành từng túi rồi mang vứt phía ngoài kênh. Ai cũng biết là ô nhiễm nhưng mà không vứt đi chẳng lẽ... để ở nhà mình!?”.

Những bãi rác tự phát như ở Nội Thôn ngày một nhiều. Rác không chỉ “vạ vật” rìa làng, đầu xóm mà tràn ra cả quốc lộ. Chỉ cách điểm tập kết rác thải tập trung tại Cầu Tây Ninh trên Quốc lộ 32 (thuộc địa phận xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ) vài trăm mét, một bãi rác thải tự phát bốc mùi hôi thối ngang nhiên tồn tại. Rác không chỉ la liệt dọc bờ kênh mà còn tràn cả xuống ruộng. Bà Nguyễn Thị Chỉnh, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Thạch Thất cho biết: “Tháng 7-2012, bãi tập kết của Sơn Tây đang đầu tư xây dựng, mở rộng nên việc vận chuyển, xử lý rác thải phải chờ đợi. Việc này khiến lượng rác thải tồn đọng khá nhiều. Hiện nay, lượng rác tồn đọng đã bắt đầu được chuyển đi. Song, một số điểm tập kết rác thải như tại xã Đại Đồng, cầu Liêu, xã Thạch Xá... vẫn ngang nhiên tồn tại”.

Bà Nguyễn Thị Chỉnh cho biết, năm 2009, huyện Thạch Thất đã được TP Hà Nội bố trí 12ha quỹ đất xây dựng khu xử lý rác thải tập trung. Hiện đã giao cho chủ đầu tư là Hợp tác xã Thành Công, tuy nhiên các thủ tục chưa xong. Dự kiến, sang năm 2013, khu xử lý này mới đi vào xây dựng. “Với công suất xử lý 200m3/ngày đêm sẽ giúp cho việc xử lý rác tại địa bàn được thuận tiện và nhanh chóng. Sẽ có 15% lượng rác thải được xử lý theo cách chôn lấp, còn lại sẽ sử dụng làm phân hữu cơ, vật liệu xây dựng và đốt. Công nghệ xử lý của dự án cũng đã được phê duyệt. Xử lý rác thải là vấn đề bức xúc nên việc hoàn thành sớm các thủ tục và đi vào xây dựng càng tiến hành nhanh càng tốt” - bà Chỉnh nói.

Làm rõ trách nhiệm quản lý

Phân tích nguyên nhân khiến rác ngoại thành đang gây bức xúc, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Phạm Văn Khánh thừa nhận, công tác xử lý, thu gom rác thải nông thôn còn chưa chuyên nghiệp, chủ yếu mang tính tự phát. Mỗi địa bàn có tỷ lệ thu gom rác thải khác nhau. Nơi đạt tới trên 90% song có một số huyện đạt rất thấp, tập trung nhiều ở khu vực phía Tây như Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Thạch Thất, Phú Xuyên... Điều đáng nói là dù tình hình khá căng thẳng nhưng chính các huyện này vẫn có tâm lý trông chờ, ỷ lại thành phố. Một số huyện luôn kêu khó khăn trong việc triển khai dự án bãi chôn lấp. Ông Phạm Văn Khánh nói: “Nơi than kêu thiếu quỹ đất, nơi kêu thiếu kinh phí GPMB.

Có thực tế là không địa phương nào muốn xây dựng khu xử lý rác thải ở địa bàn mình”. Trong khi đó, các dự án đầu tư xử lý rác thải tại chỗ bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh còn hạn chế. Tiến độ triển khai xây dựng các điểm tập kết rác thải của các huyện còn chậm, dẫn tới việc thu gom, vận chuyển rác thải càng khó khăn. Thêm vào đó, các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, sự phối kết hợp giữa các đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường và bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về rác thải chưa được thống nhất... cũng gây không ít khó khăn cho tình hình chung.

Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, cần có giải pháp tổng thể cho vấn đề rác thải nông thôn. Một mặt, phải tuyên truyền, vận động người dân để các thôn, cụm điểm dân cư đều phải có tổ thu gom rác, đạt tỷ lệ 100% rác được gom về bãi xử lý. Mặt khác, UBND các huyện phải tích cực hơn nữa trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh cũng như hệ thống điểm tập kết, trung chuyển rác. TP cũng sẽ xem xét việc tăng kinh phí cho các huyện trong đầu tư xây dựng bãi chôn lấp cũng như bổ sung cơ chế chính sách đầu tư để thu hút các dự án xử lý rác vào các huyện ngoại thành.

Liên quan tới vấn đề trách nhiệm, ông Phạm Văn Khánh nói: “Chúng tôi kiến nghị giao nhiệm vụ quản lý chất thải rắn theo địa bàn. Sở Xây dựng quản các quận, còn Sở TN-MT chịu trách nhiệm 18 huyện và 1 thị xã. 2 Sở này sẽ chịu trách nhiệm trước thành phố...”.