Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề hoạt động kém hiệu quả

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay, các địa phương vẫn đang rà soát, sắp xếp các trường dạy nghề để đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% các cơ sở công lập.

 

Chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng để thu hút học sinh

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn trả lời cử tri tỉnh Lâm Đồng về đề nghị chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực đào tạo nghề... để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cơ quan này đã ban hành Nghị quyết số 617-NQ/BCSĐ về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030, trong đó quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. 

Đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập của 02 Bộ và 11 địa phương trước khi các Bộ, địa phương quyết định ban hành.

Về tinh thần chung, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới sẽ theo hướng sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yếu kém, hoạt động không hiệu quả, không đủ năng lực triển khai tự chủ.

Từng bước sáp nhập trường trung cấp công lập và trường cao đẳng công lập theo hướng những trường cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực có thể sắp xếp lại và từng bước tự chủ; sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện và hợp tác chặt chẽ với các trường cao đẳng, trung cấp để tổ chức đào tạo. Khuyến khích thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp của doanh nghiệp và có vốn đầu tư nước ngoài.

Về lộ trình thực hiện, việc tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo 3 giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Đến năm 2025, con số này là 20%, năm 2030 là 40%.

Hiện nay, giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều khởi sắc. Nhiều trường nghề hoạt động hiệu quả và có chất lượng nhưng cũng có trường hoạt động không hiệu quả.