Rà soát năng lực và tính liêm chính của cán bộ ngành môi trường

ANTD.VN -  Sáng nay 16-11, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tiếp tục phần trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời chất vấn của ĐBQH

Liên quan đến nhóm vấn đề môi trường được khá nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay chúng ta có hệ thống cơ quan quản lý về môi trường từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa thật sự đồng bộ và hiệu quả, chế độ trách nhiệm chưa được rõ ràng. Điều này cũng được Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương ví việc quản lý chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”.

Để giám sát quản lý môi trường bằng một dự án, Bộ TN&MT hoàn toàn đồng  ý và cho rằng, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa như các cơ quan cấp phép đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan khác. Trong đó, quản lý Nhà nước về môi trường cần phải quy định cụ thể trách nhiệm cho từng cơ quan quản lý Nhà nước và cá nhân thực thi công bố. Chỉ trong trường hợp đó, chúng ta mới có chức năng giám sát hiệu quả dự án.

Nếu xảy ra sự cố sẽ dễ dàng xác định trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể. Bên cạnh đó, năng lực chức năng của công chức làm công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là cấp huyện và xã, có những cán bộ, công chức chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đạo đức công vụ, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp và người dân vì lợi ích cá nhân.

“Đây là điều mà Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã đề cập, tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và xem lại tính liêm chính và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành. Tôi cũng đồng ý rằng, khi thấy yếu kém phải có giải pháp, cần phải bắt tay ngay vào công việc một cách quyết liệt. Siết chặt kỷ cương củng cố bộ máy và cán bộ”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng TN&MT đưa ra như rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, trình Chính phủ trên cơ sở xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ. Đồng thời làm rõ và phân định rõ chức năng nhiệm vụ cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo một người được giao một việc để không bỏ trống và chồng chéo; Thể chế hoá về chế độ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đặc biệt là cả những hội đồng tư vấn trong lĩnh vực đánh giá môi trường hoặc là vấn đề cấp phép, giám sát của các dự án.

Bộ cũng sẽ xây dựng tờ trình Chính phủ về đề án tăng cường năng lực bộ máy, đào tạo đội ngũ cán bộ và công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương. Sau khi được phê duyệt sẽ nghiêm túc triển khai thực hiện.

Đối với nhóm câu hỏi liên quan đến nội dung ô nhiễm môi trường các làng nghề, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, giai đoạn 2016-2020, kinh phí cấp cho xử lý môi trường các làng nghề chỉ được cấp và bố trí được 17,3% so với kinh phí dự kiến ban đầu, tương đương 245 tỷ đồng. Do phụ thuộc kinh phí nên hiện mới có 2 tiểu dự án hoàn thành và 9 tiểu dự án đang triển khai thực hiện.

Cũng trong giai đoạn này, Chính phủ tiếp tục đề xuất đề án khắc phục ô nhiễm làng nghề  ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng được lồng ghép vào chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kinh phí đề xuất trong giai đoạn này trên 2.000 tỷ đồng. "Tôi hy vọng nếu kinh phí được cấp đầy đủ thì trong 3 năm tới sẽ hoàn thành mục tiêu xử lý ô nhiễm làng nghề" - Bộ trưởng Bộ TN&MT bày tỏ.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của nhiều ĐBQH liên quan đến trách nhiệm trong sự cố Formosa (Hà Tĩnh), Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Bộ TN&MT đã kiểm điểm theo tinh thần nghiêm túc và không né tránh. Khi có kết luận sẽ công bố để toàn thể nhân dân được biết.

Dựa trên tư vấn độc lập của các cơ quan tư vấn trong và ngoài nước, Bộ trưởng TN&MT khẳng định, hiện tại biển miền Trung đã an toàn, các hoạt động du lịch, khai thác thủy sản có thể hoạt động bình thường.

Đồng tình với nhận định đánh giá của ĐB Ngọ Duy Hiểu (Đoàn ĐBQH Hà Nội) và một số đại biểu khác không khỏi băn khoăn tình trạng khai thác khoáng sản (đặc biệt là cát tặc) diễn ra hiện nay núp bóng các dự án nạo vét đường thuỷ nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm và khai thác bãi nổi chưa giảm, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, chúng tôi đã tiếp thu việc này và trong thời gian tới sẽ trình Chính phủ cho sửa đổi Nghị định 15/CP, liên quan đến hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và trong đó có để ý tăng cường đến vấn đề  quản lý khai thác khoáng sản và đặc biệt là vấn đề khai thác cát.

Tiếp thu ý kiến của ĐB Ngọ Duy Hiểu (Đoàn ĐBQH Hà Nội), Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đồng thời khẳng định sự quan tâm đến vấn đề giải quyết quy hoạch quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, phối hợp các địa phương có ranh giới liền nhau, có cơ chế phối hợp cũng như phải huy động các lực lượng vào cuộc và xác định trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và địa phương để xảy ra khai thác cát trái phép. Đồng thời chỉnh đốn việc đấu thầu, chọn các doanh nghiệp có năng lực.