Ra mắt cuốn sách kể chuyện lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 6/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Sun Group và Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA đã ra mắt cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt –Pháp”. Vượt qua giá trị của một cuốn sách nghệ thuật, đây có thể xem như một công trình sử liệu học thuật, dưới góc nhìn trẻ và đầy tính nghệ thuật về vẻ đẹp kiến trúc của Hà Nội qua các thời kỳ.

Sau khi tái bản thành công cuốn “Sài Gòn 1968 - 1998, ba thế kỷ phát triển và xây dựng” năm 2015, niềm đam mê với việc lưu trữ và thúc đẩy sự hiểu biết về kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc của Hà Nội đã thôi thúc Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA và các cộng sự chính thức khởi động dự án dành riêng cho nghệ thuật kiến trúc thủ đô mang tên “Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt –Pháp”.

Dự án bắt đầu vào năm 2022 bởi ông Maurice Nguyễn- một doanh nhân Việt kiều Pháp, trở về Việt Nam từ đầu thập kỷ 90. Maurice Nguyễn là chắt của kiến trúc sư danh tiếng François Charles Lagisquet (một trong những kiến trúc sư thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội) cùng các cộng sự là Tiến sĩ – nhà nghiên cứu - KTS Trần Quốc Bảo - hiện là giảng viên trường Đại học Xây Dựng Hà Nội, dịch giả Thẩm Yến Linh, nhiếp ảnh gia Lê Hoàng thực hiện. Chủ nhiệm dự án là Trần Hải Anh, tác giả được biết đến tại Việt Nam qua cuốn truyện tranh “Sống” - NXB Kim Đồng, 2023.

Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam

Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam

Ông Maurice Nguyễn kể về nhân duyên ông tham gia cuốn sách: "Cách đây hơn 50 năm, khi tôi còn là học sinh ở Paris, nhà trường đã tổ chức thăm quan nhà hát Opéra Garnier, nhà hát siêu lớn của thành phố Paris. Với đôi mắt của một đứa bé 10 tuổi, tôi rất ấn tượng với bề thế của tòa nhà này. Tối hôm đó khi về ăn cơm với ba mẹ, kể lại câu chuyện mình đi thăm quan hát Opéra Garnier thì mẹ nói với tôi: “Con à, quê ba mẹ ở Hà Nội cũng có một nhà hát lớn rất đẹp, nhà hát đó được xây bởi ông cố của con.

Ông cố tôi là người Pháp, sang Việt Nam cuối thế kỷ 19 sau khi xong nhiệm vụ quân sự, sĩ quan quân sự của Pháp, thì ông làm kiến trúc sư cho thành phố Hà Nội và tham gia rất nhiều công trình của Hà Nội. Công trình lớn nhất và nổi tiếng nhất là Nhà hát lớn Hà Nội. Từ lúc đó cho đến năm 1992, lần đầu tiên tôi bước chân đến Hà Nội, quê hương của ba mẹ tôi. Từ lúc đó trong đầu tôi luôn muốn đi tham quan công trình của ông mình xây dựng. Trước khi về Hà Nội, ba tôi cũng nhờ tôi: “Con cố gắng ghé trường xưa mà ba học ở Hà Nội, trường Grand Lycée Albert Saraut”...

Hệ thống trang trí diềm mái của Đại học Quốc gia Hà Nội- Hình ảnh trong cuốc sách: Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt –Pháp”

Hệ thống trang trí diềm mái của Đại học Quốc gia Hà Nội- Hình ảnh trong cuốc sách: Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt –Pháp”

Giống như một sử ký Hà Nội được viết bằng nghệ thuật kiến trúc, cuốn sách đem đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về vẻ đẹp của kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ, bao gồm: Phần 1: Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội xưa; Phần 2: Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc với những phong cách điển hình là Beaux-Arts; Art De’co; Đông Dương, Kiến trúc Pháp thuộc thời kỳ đầu; Kiến trúc Thép, Gothique và Phần 3: Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954.

Đọc “Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt –Pháp”, có cảm giác ta đang được xem một cuốn phim về lịch sử Hà Nội, hay đúng hơn là được du hành ngược thời gian, trở về với Hà Nội của thế kỷ 19, 20 cùng các tác giả, đi vào từng ngóc ngách và chi tiết của 18 công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội qua các thời kỳ, đặc biệt là các công trình thời Pháp thuộc như: Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, Nhà tù Hỏa Lò, Khách sạn Metropole Hanoi, Thư viện trường PTTH Chu Văn An…

Chi tiết thép trang trí tay vịn cầu thang bên trong Nhà khách Chính phủ

Chi tiết thép trang trí tay vịn cầu thang bên trong Nhà khách Chính phủ

Từ nền tảng cội nguồn kiến trúc Thăng Long – Hà Nội xưa ở thế kỷ 18 trở về trước với thành quách “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, kết nối vùng dân dã “kẻ chợ”; sự chuyển mình hội nhập, tiếp thu lối nghệ thuật tinh hoa của kiến trúc phương Tây ở thời kỳ Pháp thuộc như Beaux-Arts, Art Décor, Gothique… cho đến sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc thế giới với văn hóa bản địa… mỗi cứ liệu lịch sử kiến trúc được các tác giả diễn giải một cách hết sức nhẹ nhàng, dễ hiểu và giàu cảm xúc.

Các toà nhà trong khu trụ sở Cục Thể dục Thể thao

Các toà nhà trong khu trụ sở Cục Thể dục Thể thao

Độc giả sẽ thấy trong sự tráng lệ vốn là điển hình cho phong cách Beaux- Arts của Phủ Chủ tịch, lại có những họa tiết trang trí đậm chất cổ truyền Việt Nam. Hay những công trình Art Décor điển hình như tòa nhà Ngân hàng Nhà nước cũng khéo léo được thêm nếm vào đó nét Việt tinh hoa… Những giao thoa này, dù là chấm phá, cũng đủ cho thấy văn hóa và kiến trúc Việt có giá trị và ảnh hưởng nhất định tới những kiến trúc sư và nền kiến trúc có bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ như kiến trúc Pháp.

Đi qua mỗi phần của cuốn sách, người đọc vừa thấy quen, vừa thấy lạ. Quen bởi những công trình đó vốn đã quá đỗi thân thuộc trong mỗi khoảnh khắc Hà Nội. Lạ vì có những chi tiết kiến trúc, những giá trị lịch sử lần đầu được biết. Nhưng sau cùng, đọng lại ở mỗi câu từ, hình ảnh trong cuốn sách là một tình yêu với Hà Nội, sâu đậm, da diết, được khắc họa bằng những đường nét kiến trúc, bằng ngôn từ khúc triết, và những khuôn hình sống động, như thể lịch sử đang sống lại trước mắt ta.

Lối vào thư viện trường THPT Chu Văn An

Lối vào thư viện trường THPT Chu Văn An

Chia sẻ về ý tưởng cho ra đời cuốn sách, ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA cho rằng: “Kiến trúc là đỉnh cao của sáng tạo thông qua việc tổng hợp nghệ thuật tạo hình và khoa học xây dựng. Kiến trúc của một quốc gia là một phần văn hóa và lịch sử của quốc gia đó. Với mong muốn gìn giữ những di sản kiến trúc vô cùng quý giá do lịch sử đem lại cho Hà Nội, chúng tôi đã quyết tâm làm cuốn sách này với một cách tiếp cận và cách làm hoàn toàn mới so với những cuốn sách về kiến trúc đã có trước đó”.

Mặt chính Nhà thờ Cửa Bắc hướng nhìn từ phố Nguyễn Biểu

Mặt chính Nhà thờ Cửa Bắc hướng nhìn từ phố Nguyễn Biểu

Để hoàn thành được cuốn sách "có sức nặng" cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bên cạnh sự đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và kiến trúc sư dày dặn kinh nghiệm, đội ngũ thực hiện cuốn sách phần lớn là những người trẻ ở độ tuổi 30. Họ mang đến cách tiếp cận nghiên cứu sáng tạo, mới mẻ và hiện đại. Cuốn sách không chỉ cung cấp những giá trị chuyên môn sâu sắc và giới thiệu nhiều hình ảnh quý hiếm chưa từng được công bố, mà còn được trình bày một cách hấp dẫn, dễ tiếp cận, phù hợp với đông đảo độc giả, đặc biệt là giới trẻ, vượt ra khỏi giới hạn của cộng đồng học thuật truyền thống.

Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội

Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội

“Mục tiêu lớn nhất của cuốn sách là lan tỏa tình yêu Hà Nội, nâng cao nhận thức của mọi người về giữ gìn những di sản văn hóa kiến trúc của thủ đô, đặc biệt là thế hệ trẻ. Họ chính là thế hệ tương lai, những người đã, đang và sẽ giữ vai trò tiếp nối gìn giữ và phát huy giá trị di sản cho muôn đời sau”- ông Nguyễn Quốc Khanh bày tỏ.

Ông Phan Đăng Sơn – CT Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: "Bản thân tôi đón nhận tác phẩm với tinh thần hơi xấu hổ và bẽn lẽn, vì bản thân Hội Kiến trúc sư chưa làm được điều đó, dù tất cả đều mong đợi nó. Trong một thời gian rất dài Việt Nam chúng ta tập trung phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa, cố gắng hết tốc độ nên có phần nào tạm bỏ qua các di sản văn hóa, đặc biệt là tại các đô thị có bề dày văn hóa như Hà Nội, TP HCM và một số thành phố khác.

Hệ thống hoa văn chữ Hán cách điệu được chạm nổi dọc theo hai bên mặt đứng của Ngân hàng Nhà Nước

Hệ thống hoa văn chữ Hán cách điệu được chạm nổi dọc theo hai bên mặt đứng của Ngân hàng Nhà Nước

Chỉ vài ba năm vừa qua thôi, chúng ta quay lại nhìn sau lưng mình, chợt hoảng hốt, nếu không cẩn thận có thể bỏ quên một khoảng di sản vô cùng giá trị quý giá. Chính di sản đó phát huy vào sự phát triển đương đại thì sẽ tạo nguồn động lực rất lớn cho phát triển kinh tế, mà như chúng ta ngày nay hay nói là nền kinh tế văn hóa, rồi thì cập nhâth thêm goi là "công nghiệp văn hóa".

Chi tiết hoa văn trang trí hình chữ “vạn” của Đại học Quốc gia Hà Nội

Chi tiết hoa văn trang trí hình chữ “vạn” của Đại học Quốc gia Hà Nội

Khi tiếp cận quyển sách này, tôi cho rằng quyển sách góp phần quan trọng cho việc cho thức tỉnh kiến trúc đô thị Hà Nội, một nơi đáng thức tỉnh nhất của Việt Nam và thức tỉnh một cách xứng đáng, hấp dẫn. Để cho bản thân, không chỉ riêng giới chuyên môn, người làm kiến trúc, mà chắc chắn là cả cộng đồng, được tiếp cận cuốn sách này với nội dung vô cùng phong phú, đầy đủ, rất khoa học nhưng cũng nhiều cảm xúc, được thăng hoa, được thưởng thức sản phẩm giàu tính nghệ thuật này.