Ra mắt cuốn sách đặc biệt về biểu tượng, đồ thờ trên ban thờ của người Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - "Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam" của học giả Gustave Dumoutier do Nhã Nam ấn hành không chỉ mô tả chi tiết về hình dáng, nguồn gốc của các vật phẩm thờ cúng mà còn đi sâu khám phá ý nghĩa tâm linh ẩn chứa đằng sau mỗi biểu tượng. Qua đó, tác phẩm đã phác họa một bức tranh toàn diện về đời sống tinh thần của người Việt thế kỷ XIX.

Tác giả cuốn sách, Gustave Dumoutier, là một trong những học giả am tường nhất về xứ Đông Dương, một người cộng sự đáng kính của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp với những khảo cứu nổi trội về khảo cổ học, địa lý học lịch sử, dân tộc học và truyền thống dân gian.

Để thấu hiểu một dân tộc, không gì quan trọng hơn việc tìm hiểu những giá trị văn hóa tinh thần và tín ngưỡng của họ. Ở người Việt, tục thờ cúng tổ tiên chính là một minh chứng sống động cho điều này. Mỗi gia đình Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào, đều dành một không gian trang nghiêm nhất trong nhà làm nơi thờ phụng ông bà.

Chính vì vậy, một cuốn sách ghi chép và nghiên cứu về tập tục thờ cúng cổ truyền như “Biểu tượng phù hiệu và đồ thờ của người An Nam” không chỉ là tài liệu quý giá về mặt học thuật, mà còn là chìa khóa giúp chúng ta mở ra cánh cửa để hiểu sâu sắc hơn về tâm hồn, tính cách và bản sắc của người Việt.

Trên ban thờ, mỗi món đồ thờ tự, từ bát hương, đèn nến đến những đồ cúng phẩm đều mang những ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Theo đó, các biểu tượng thường gặp trên các món đồ cúng như chữ phúc, thọ, hình âm dương, hà đồ, lạc thư và nhiều hình tượng khác đã được học giả Gustave Dumoutier ghi chép cẩn thận trong cuốn sách của mình. Điều đặc biệt là tác giả không chỉ dừng lại ở việc mô tả bề ngoài, mà còn đi sâu tìm hiểu về những giá trị văn hóa, tâm linh ẩn chứa đằng sau mỗi vật phẩm.

Công trình khảo cứu ghi chép và diễn giải nhiều biểu tượng từ quen thuộc đến xa xưa như: Phúc và thọ, âm dương, rồng, hà đồ, lạc thư, long mã, hạc đậu lưng rùa, phượng, ngữ phúc, bát quái, long hổ đấu… và nhiều hình tượng khác.

Đi kèm diễn giải về ý nghĩa, học giả người Pháp Gustave Dumoutier còn ghi chép những ứng dụng của các biểu tượng này trong đời sống tín ngưỡng và thờ cúng của người Việt, những niềm tin và những điều kiêng kị. Nguồn gốc của những biểu tượng này cũng được nghiên cứu kỹ càng, đối chiếu với sử sách và được chú thích cặn kẽ để độc giả tiện tra cứu trong quá trình đọc.

Giá trị của cuốn sách còn nằm ở hệ thống tư liệu hình ảnh minh họa phong phú, chi tiết về các món đồ thờ cúng của người Việt Nam cuối thế kỷ XIX, giúp các thế hệ sau có thể hình dung một cách cụ thể về đời sống tâm linh của người Việt hơn một thế kỷ trước. Những hình vẽ minh họa này là tài liệu lịch sử quan trọng trong việc nghiên cứu về văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.

Với mỗi biểu tượng, học giả Gustave Dumoutier đều cẩn thận đưa vào từ một đến hai hình ảnh kèm theo để lưu giữ lại hình ảnh của biểu tượng đó từ hàng trăm năm trước, giúp độc giả nhiều thế hệ, ở nhiều thời kỳ có sự so sánh đối chiếu với giai đoạn của mình.

Dễ thấy, có nhiều biểu tượng đã được giữ vẹn nguyên qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn còn mang đầy đủ những ý nghĩa sâu sắc như được ghi chép trong cuốn sách của Dumoutier.

Các hình vẽ trong sách được in sắc nét, tái hiện lại tốt nhất hình ảnh của đồ vật và biểu tượng từ hàng trăm năm trước, phần nào giúp độc giả thời nay có sự so sánh và đối chiếu với hình ảnh của biểu tượng đó trong bối cảnh hiện đại. Đi cùng với hình ảnh minh hoạ là chú thích chữ Nôm trong hình, góp phần diễn giải cho độc giả hiểu thêm về biểu tượng được khảo cứu.

Trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa như hiện nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Một nguồn tư liệu quý giá như “Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người Việt Nam” là một phần cần thiết nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Với nhiều thập kỷ nghiên cứu về văn hoá người Việt, học giả Dumoutier đã góp phần quan trọng trong việc ghi chép và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, đây còn là tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu, sinh viên và những người quan tâm đến văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.

Gustave Dumoutier (1850-1904) là một trong những học giả am tường nhất về xứ Đông Dương, một người cộng sự đáng kính của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp với những khảo cứu nổi trội về khảo cổ học, địa lý học lịch sử, dân tộc học và truyền thống dân gian.

Sinh ngày 3 tháng Sáu năm 1850 tại Courpalay, Pháp, ông từng học tại Hội Khảo cổ vùng Seine-et-Marne. Năm 1886, sau khi tham gia khóa học Việt ngữ và Hán ngữ tại Học viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương, Dumoutier sang Đông Dương làm phiên dịch cho Paul Bert khi ấy là Tổng trú sứ Bắc và Trung kỳ.

Trong mảng khảo cứu về Bắc kỳ, Dumoutier được xem là nhân vật tiên phong và ghi dấu ấn bằng nhiều khảo cứu có giá trị trên các phương diện như quan hệ thương mại cổ giữa Đông Dương với Nhật, về chùa chiền ở Hà Nội, về Trấn Vũ quán, về thành Cổ Loa, về thành nhà Mạc, về Phố Khách ở Hưng Yên, về những truyền thuyết lịch sử liên quan đến xứ Bắc kỳ, về bản đồ hải cảng An Nam thế kỷ XV, về những biểu tượng và khí cụ thờ cúng, về phù thuật và bói toán…

Ngoài “Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam”, Gustave Dumoutier còn có nhiều tác phẩm khảo cứu giá trị và nổi tiếng, trong đó nhất định phải kể đến “Tang lễ của người An Nam”. Đời người có hai tập tục được xem là quan trọng nhất là hôn lễ và tang lễ. Trong khi hôn lễ, cùng với các nghi lễ của “sự sống” được rất nhiều tác giả trong và ngoài nước chọn khai thác thì đề tài về tang lễ - đại diện cho “sự chết” lại có phần khiêm tốn hơn. Trong số ít các cuốn sách đề cập đến tập tục này, “Tang lễ của người An Nam” được coi là một trong những công trình công phu và toàn diện nhất.