Ra mắt 50 tác phẩm tranh bột màu về ngôi làng Cự Đà hơn 400 năm tuổi

ANTD.VN - Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật, nhiều lần triển lãm nhóm, ngày 17/5, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng sẽ ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên của anh tại Mành Studio, ngõ Ba Gang thôn Cự Đà, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội.

Triển lãm gồm khoảng hơn 50 tác phẩm cùng chất liệu bột màu (trên giấy báo hoặc giấy bìa) vẽ phong cảnh, tĩnh vật, ký họa lấy cảm hứng từ nơi họa sĩ sinh sống, làm việc gần 10 năm nay.

Với cách tiếp cận thông thường khi vẽ về làng cổ hay phố cổ, thường người họa sĩ hay bị ám ảnh bởi màu thời gian, hoài niệm với những di sản còn sót lại trong nhịp sống hiện đại.

Nhưng Nguyễn Quốc Thắng chọn một cách nhìn cởi mở và lãng mạn hơn, là hòa điệu được sự cổ kính của những cổng làng, nếp nhà, ngõ nhỏ với những gam màu tươi tắn, rực rỡ. Làng đi qua bốn mùa trong tranh vừa bảng lảng, nên thơ, ẩn chứa mơ ước một sự tươi mới, hạnh phúc.

Nguyễn Quốc Thắng từng được biết đến với mảng tranh khắc gỗ, anh cũng từng vẽ nhiều tranh sơn dầu. Tuy nhiên ở lần ra mắt này, anh chọn chất liệu bột màu. Chất liệu mà theo anh vừa gần gũi, phổ thông lại vừa bông xốp, trong trẻo, cho phép thể hiện cảm xúc ào ạt về một nơi chốn bình dị, thân thuộc là làng.

Sự kết hợp giữa màu và giấy báo là một chủ ý của họa sĩ. Bản thân việc vẽ trên một tờ giấy có chữ đem lại cảm xúc rất khác với vẽ trên một tờ giấy trắng tinh. Nét thấp thoáng của chữ, sự nhấn nhá ở cổng làng, mái nhà, ngõ sâu, ô cửa, hàng chum, phên nứa gợi lên vẻ đẹp của hình họa và văn hóa. Con đường của cái đẹp, dưới con mắt của người nghệ sĩ, là từ những đối cảnh- giá trị vật thể, người ta thấy được, đọc được ở đó giá trị lớn về tinh thần.

Nằm bên bờ sông Nhuệ, cách Trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 20km về phía Tây, làng Cự Đà có địa thế "nhất cận thị, nhị cận giang" một thời phồn thịnh. Làng có những ngôi nhà cổ, những đình, chùa cổ… mang kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ đặc trưng, bên cạnh những ngôi nhà theo lối kiến trúc Pháp có tuổi đời hơn 100 năm. Làng Cự Đà cũng nổi tiếng với hai nghề truyền thống là nghề làm miến và nghề làm tương còn giữ đến ngày nay.