Ra đường như ra... trận

ANTĐ - Tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm trên toàn thế giới và nếu không có biện pháp hữu hiệu thì “hiểm họa bất chợt“ này sẽ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong tương lai.

Ra đường như ra... trận ảnh 1
Hạ tầng giao thông tồi tệ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông

Nhân “Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ” diễn ra từ ngày 6 đến 12-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có báo cáo “Thực trạng an toàn giao thông đường bộ toàn cầu năm 2013”. Theo tổ chức này, trung bình mỗi năm tai nạn giao thông đường bộ cướp đi sinh mạng của 1,24 triệu người trên toàn thế giới và làm 50 triệu người khác bị thương tật suốt đời. 

Một trong những điều đáng lo ngại được WHO cảnh báo là tai nạn giao thông đã gây ra cái chết nhiều nhất cho thanh thiếu niên ở lứa tuổi từ 15 đến 25, với mức trung bình mỗi năm có khoảng 400 nghìn người trẻ tử vong khi tham gia giao thông đường bộ. Tính ra, trung bình mỗi ngày các cung đường bộ trên toàn thế giới đã cướp đi mạng sống của hơn 1 nghìn thanh thiếu niên. 

Đáng chú ý, báo cáo của WHO nhấn mạnh tới việc mỗi năm có tới 270.000 người chết vì tai nạn giao thông khi đang đi bộ, chiếm 22% tổng số người bị thiệt mạng do tai nạn trên các tuyến đường bộ. Lý giải về con số đáng báo động này, WHO cho rằng những người đi bộ thường ít được chú ý mỗi khi các cơ quan chức năng xem xét đến vấn đề an toàn giao thông.

WHO cho rằng nếu cộng đồng quốc tế không có các biện pháp quyết liệt và hiệu quả thì tới năm 2030, tai nạn giao thông sẽ là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất thế giới. Ngoài ra, tai nạn giao thông còn gây ra những thiệt hại nặng nề về tài sản, tiền bạc và phí tổn thuốc men cho các quốc gia cũng như gia đình những người gặp nạn. 

Nguyên nhân khiến tai nạn giao thông và số người chết vì hiểm họa này gia tăng chủ yếu do hạ tầng giao thông và ý thức người tham gia giao thông chưa cao, nếu không muốn nói là còn kém. Số liệu thống kê cho thấy, châu Phi là nơi có tỷ lệ nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông đường bộ cao nhất thế giới, với 24,1 người/100.000 dân, trong đó con số này ở các nước phát triển châu Âu chỉ là 10,3 người/100.000 dân. 

Đặt quyết tâm giảm được 5 triệu người chết vì tai nạn giao thông, Đại hội đồng LHQ đã thông qua sáng kiến “Thập kỷ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu” 2011-2020. Theo đó sẽ phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp như thông qua luật giao thông đường bộ, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của người dân và cải thiện hạ tầng, mở mới, nâng cấp các tuyến đường hiện có... 

Việt Nam từng được Tổng thư ký LHQ khen ngợi và đánh giá cao trong việc tuyên truyền, vận động mọi người phải đội mũ bảo hiểm khi tham giao giao thông đường bộ. Song cũng cần nhìn nhận thực tế là Việt Nam là một trong những nước có số người tử vong vì tai nạn giao thông thuộc loại cao trên thế giới, tính ra trung bình mỗi ngày có khoảng trên dưới 30 người chết vì hiểm hoạ này. Ngay trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và   1-5 vừa qua trên cả nước đã xảy ra 240 vụ tai nạn giao thông làm chết 110 người và bị thương 185 người.

Để “ra đường” không phải là “ra trận”, giảm thiểu tai nạn giao thông phải được xem như là một cuộc chiến quyết liệt trong thời bình trên thế giới cũng như tại nước ta.