Ra đi và ở lại

ANTĐ - Giá vàng tuần tới đã hết làm chóng mặt giới đầu tư hay không? Chiến cuộc Libya đã tới hồi kết hay chưa? Những câu hỏi nóng bỏng chưa có lời giải tuần qua.

Quân nổi dậy trong dinh thự của ông Muammar Gadhafi ở Thủ đôTripoli

Tuần qua là một tuần giá vàng trên thị trường khi lên đến mức cao chưa từng có rồi sau đó lại đi xuống rất mạnh khi chỉ trong 1 ngày đã giảm tới hơn 100 USD/ounce. Các nhà phân tích chỉ rõ, triển vọng kinh tế ảm đạm ở Hoa Kỳ và châu Âu là nguyên nhân chính đẩy giá vàng tăng hơn hết. Điều này đã khiến các nhà đầu tư tìm đến vàng như là “nơi trú ẩn” an toàn khiến vàng tăng giá. Câu chuyện của giới đầu tư tuần qua và cả tháng qua là họ đã cố giữ lại được gì sau sóng gió trên thị trường tài chính? Chuyện được- mất trong kinh doanh đầu tư cũng là lẽ thường, nhưng việc chuyển từ thái cực này sang thái cực khác giữa tình cảnh biến động kinh tế là lo ngại, thậm chí gây nên nỗi sợ hãi trên thị trường. Ai ra đi và ai ở lại, câu hỏi dường như không có lời đáp, nhưng hiện diện mơ hồ ở nhiều sàn giao dịch, nhiều thị trường chứng khoán.

Theo các nhà phân tích, thời gian gần đây, các nhà đầu tư đã tìm đến vàng khi thị trường chứng khoán sa sút, cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu và Hoa Kỳ vẫn đeo đẳng và một cuộc suy thoái dường được dự đoán với tỷ lệ 50/50. Một số chuyên gia cho rằng, giá vàng thời gian tới có thể trượt xuống mốc 1.700 USD/ounce, thậm chí là thấp hơn. Tuy nhiên, môi trường lãi suất thấp hiện nay và đồng USD yếu vẫn là những nhân tố đang trợ giúp giá vàng. Công tâm mà nói thì mặc dù giá vàng tăng chóng mặt trong vòng hơn 1 tháng qua, nhưng nhiều chuyên gia phân tích và ngay cả các nhà sản xuất vàng, đã lên tiếng cảnh báo về đà tăng “nóng” của kim loại quý này và e ngại giá sẽ sụt tương đối lớn trong ngắn hạn…

Cũng giống như giá vàng, chiến cuộc ở Libya tuần qua thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Những tưởng lực lượng Chính phủ bị quân nổi dậy dồn đến chân tường ở Tripoli, là rõ luôn hồi kết của đất nước có nhiều bộ tộc dưới thời ông Muammar Gadhafi. Nhưng, sự thể đâu đơn giản như vậy, đó là còn chưa kể tới những thông tin nhiễu, một chiều từ phía NATO và quân nổi dậy lấn át thực tế chiến sự.

Song dù gì, thì Libya đang đối mặt với những bất ổn mới.  Vấn đề hiện nay là ở chỗ, hậu chế độ của ông Muammar Gadhafi là lực lượng nổi dậy tiếp quản Tripoli ngày một, ngày hai liệu có ngăn được Libya không rơi vào tình trạng bất ổn? Ông Gadhafi có thể ra đi, nhưng khoảng trống quyền lực ở lại Tripoli rất nặng nề, chất đầy bạo lực và không dễ hòa giải. Một Libya không có ông  Muammar Gadhafi sau bốn thập kỷ trị vì, đứng trước những lo ngại mới. Theo AFP, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 26-8 cho biết có thể cần phải triển khai một lực lượng cảnh sát quốc tế tại Libya, quốc gia hiện đang "tràn ngập" các loại vũ khí nhỏ. Ông Ban     Ki-moon nói: "Rõ ràng, những thách thức phía trước vẫn rất lớn. Cần khẩn cấp chấm dứt cuộc xung đột hiện tại và khôi phục an ninh và trật tự”. Cũng theo ông Ban Ki-moon, ông sẽ sớm ra các khuyến nghị với Hội đồng Bảo an về việc cần "khẩn cấp" gửi một phái bộ LHQ tới Libya. Những giải pháp tình thế đang được đặt ra, nhưng hơn hết, tương lai của Libya phải do chính người Libya định đoạt.