Quyết tâm phải đi cùng hành động

ANTĐ - Cùng với quyết tâm mạnh mẽ thì việc chống lại lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng cũng cần những hành động mạnh mẽ. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, khẳng định với phóng viên Báo ANTĐ: “Điều quan trọng là cần nhận diện nhóm lợi ích là ai, những hoạt động nào của họ không hợp lý và đưa ra những biện pháp gì để xử lý”.

- Theo ông, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa là lời tuyên chiến chống lợi ích nhóm trong hoạt động ngân hàng có ý nghĩa như thế nào?

- Đây là một lời kêu gọi quan trọng thể hiện quyết tâm của NHNN, của Chính phủ trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng như ngăn chặn những mối nguy hiểm, những thiệt hại do nhóm lợi ích gây ra cho hoạt động ngân hàng.

- Với nhận định của mình, ông có cho rằng lợi ích nhóm là rào cản lớn nhất cho quá trình tái cơ cấu?

- Trong nền kinh tế thị trường, nếu hoạt động ngân hàng lành mạnh phục vụ cho nền kinh tế thì nhóm lợi ích rõ ràng là rào cản. Nhóm lợi ích đi ngược lại, không phục vụ cho tất cả lợi ích chung, hơn nữa còn triệt tiêu sự cạnh tranh. Các nhóm lợi ích thường có xu hướng chiếm lĩnh thị trường, khuynh đảo mưu đồ lợi ích riêng. Nếu các nhóm này tồn tại thì không thể thực hiện được tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. 

- Cuộc chiến chống lại các lợi ích nhóm trong hoạt động ngân hàng không đơn giản, ngoài quyết tâm thì NHNN cần phải làm gì tiếp theo?

- Từ ý chí mạnh đến hành động mạnh là một bước đi dài. Việc chống lợi ích nhóm hiện tại cũng chưa có hoạt động nào cụ thể. Có thể “sau bức màn nhung” NHNN đã có những hành động quyết liệt nhưng trên bề nổi thì chưa xuất hiện. Việc bắt giữ một số lãnh đạo ngân hàng thương mại trong thời gian vừa qua chưa phải là động thái rõ rệt nhắm vào nhóm lợi ích. Muốn chống lại nhóm lợi ích thì điều quan trọng là cần nhận diện nhóm lợi ích là ai, những hoạt động nào của họ không hợp lý và đưa ra những biện pháp gì để xử lý.

Phải xác định hoạt động nào là sai phạm, trong Luật Ngân hàng thì NHNN cho phép các ngân hàng có thể sở hữu chéo, đầu tư… Sở hữu như thế nào, đầu tư vào đâu được ràng buộc với những tỷ lệ nhất định cũng như những quy định khống chế việc đầu tư. Tuy nhiên, việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng cần phải được quy định rõ ràng hơn nếu không sẽ tạo ra những lỗ hổng để các thành phần có thể lợi dụng.

- Rồi vấn đề ngân hàng ủy thác đầu tư, có thể ủy thác cho một công ty hay một cá nhân đầu tư nhưng lĩnh vực đầu tư vẫn chưa được quy định rõ ràng. Trên thế giới, các ngân hàng không được phép đầu tư vào bất động sản, nhưng nếu ngân hàng ủy thác cho cá nhân, công ty đầu tư vào bất động sản thì có cần cấm hay không? 

- Thời gian vừa qua, có ngân hàng ủy thác cho nhân viên của mình đầu tư vào hàng chục ngân hàng khác nhau. Rồi việc nhân viên ngân hàng đem tiền đi gửi ở ngân hàng khác lấy lãi suất cao là trái phép, việc này có cần phải cấm hay không? Tất cả những vấn đề trên đều phải được làm rõ và đưa ra những quy định cụ thể. Cùng với đó việc giám sát, xử lý nghiêm sai phạm là những biện pháp tức thời cần làm ngay.

- Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được đặt ra và đang trong giai đoạn thực hiện, ông có đánh giá gì về những bước đi của NHNN cũng như các ngân hàng thương mại?

- Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng có 3 giai đoạn, giai đoạn 1 là hỗ trợ thanh khoản, giai đoạn 2 là xử lý nợ xấu, giai đoạn 3 là hệ thống hóa các quy chuẩn và tiến tới các quy chuẩn quốc tế. Có ý kiến cho rằng, quá trình tái cơ cấu của chúng ta đang ở giai đoạn 2, nhưng theo tôi quá trình này đang ở giai đoạn đầu. Giai đoạn 1 vẫn chưa hoàn tất, đâu đó có ngân hàng vượt rào lãi suất, việc này có thể diễn ra ở một vài ngân hàng yếu kém. Điều này cho thấy vấn đề thanh khoản chưa được giải quyết triệt để. 

Quá trình tái cơ cấu đang diễn ra khá chậm, chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi để đi vào tái cấu trúc thực sự, trong đó có vấn đề thanh khoản, nợ xấu, lợi ích nhóm…