Con đường của ý chí (1)

Quyết tâm mở đường

ANTĐ - 50 năm trước, khi cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc  bước vào giai đoạn ác liệt nhất, khi con đường chi viện trên bộ chưa thể vươn tới những chiến trường nằm sâu trong lòng địch chiếm đóng thì những chuyến “tàu không số” đã bí mật đạp sóng Biển Đông, vượt qua sự ngăn chặn, kiểm soát ngặt nghèo của địch, tiếp tế vũ khí, bổ sung lực lượng cho đồng bào miền Nam đánh mạnh, thắng to.

Bến K15 Đồ Sơn, Hải Phòng - nơi xuất phát những con tàu không số huyền thoại


Từ tập đoàn đánh cá sông Gianh...

Tiểu đoàn 603 là đơn vị đầu tiên được thành lập theo chủ trương của Bộ Chính trị và Tổng quân ủy trên đất Quảng Bình, với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam theo đường biển trong những năm đầu của cuộc kháng chiến. Với mật danh là “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”, đơn vị có 107 chiến sĩ phần lớn là cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Hai đồng chí Hà Văn Xá (có tài liệu viết là Hồ Văn Xá) và Lưu Đức là những thủy thủ dày dạn kinh nghiệm của Đoàn 248 Hải quân được giao giữ chức tiểu đoàn trưởng và chính trị viên.

Để chuẩn bị cho những chuyến vượt biển đầu tiên vào Nam của Tiểu đoàn 603, việc đóng mới những con thuyền đã được đặc biệt ưu tiên và khẩn trương xúc tiến. Ông Vũ Thanh Bình, 80 tuổi, thôn Thanh Gianh, xã Thanh Trạch, nguyên là công nhân của Tập đoàn đánh cá miền Nam kể, tháng 7-1959, ông được giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi thi công việc đóng thuyền tại một địa điểm bí mật cạnh chân cầu Ròon (thuộc xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch ngày nay). Tổ đóng thuyền gồm 3 thợ lành nghề của Quảng Bình, Nghệ An và Khu 5 do ông Nguyễn Văn Bàng làm thợ cả. Quá trình thi công ngoài việc đảm bảo chất lượng còn phải đạt yêu cầu thuyền sau khi hoàn thành phải thật giống tàu đánh cá của ngư dân Trung Trung bộ. Đầu tháng 10-1959, 2 chiếc thuyền đầu tiên có chiều dài 22m, rộng 5m, với trọng tải 7 tấn đã được hoàn thành và bàn giao tại đảo Hòn Nẹ (thuộc huyện Nga Sơn - Thanh Hóa).

Cùng với sự giúp đỡ của  chính quyền và nhân dân địa phương và Sư đoàn 325 (lúc này đóng quân tại Quảng Bình) đến giữa tháng 12-1959, Tập đoàn đánh cá sông Gianh đã có trong tay 20 chiếc thuyền. Sau khi cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, đúng  vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán 1960, 6 cán bộ chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 603 cùng 5 tấn vũ khí lặng lẽ cho thuyền rời cửa sông Gianh lên đường thực hiện chuyến đi đầu tiên, vừa đi vừa thăm dò, rút kinh nghiệm. Giữa mịt mùng biển khơi cùng những trận gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, trải qua 3 ngày vật lộn với sóng to, gió lớn...

Theo kế hoạch ban đầu, thuyền sẽ cập bờ tại điểm Hố Chuối, dưới chân đèo Hải Vân, nhưng do bánh lái gãy nên mất phương hướng, trôi dạt đến đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi và bị địch phát hiện vây bắt. Trước tình thế không thể làm khác được, kiên quyết không để hàng rơi vào tay quân thù, toàn bộ 5 tấn hàng đã được thả xuống biển. Khi tàu địch tiếp cận cả 6 đồng chí đều bị bắt. Với đủ các hình thức tra tấn dã man hòng moi thông tin về chuyến vận tải biển, nhưng chúng đã thất bại trước ý chí kiên cường bất khuất một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của các chiến sĩ Tiểu đoàn 603. 4 trong số 6 chiến sĩ của chuyến vượt biển đầu tiên này đã hy sinh trong nhà tù đế quốc.

Tuy chuyến đi đầu tiên không thành công, nhưng đã để lại nhiều kinh nghiệm quý về việc lựa chọn phương tiện vận chuyển, thời điểm xuất phát, nhất là cách đối phó với địch khi đi vào vùng kiểm soát của chúng...


Đến những chuyến tàu đầu tiên về đích an toàn

Sau một quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, ngày 23-10-1961, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759, đánh dấu sự ra đời của tuyến chi viện chiến lược Bắc-Nam trên biển. Ngày 11-10-1962, chiếc tàu mang phiên hiệu Phương Đông 1 do Lê Văn Một làm thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa làm chính trị viên cùng 11 thủy thủ, chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn - Hải Phòng tiến vào Nam bộ. Ngày 19-10-1962 tàu cập bến Vàm Lũng - Cà Mau an toàn. Đây là chuyến tàu đầu tiên của Đoàn tàu không số khai thông tuyến đường chiến lược trên biển. Và bến Vàm Lũng Cà Mau đã đi vào lịch sử là bến đầu tiên, đón con tàu đầu tiên của “Con đường huyền thoại”. Tiếp theo tàu Phương Đông 1 là những tàu Phương Đông, 2, 3, 4… lần lượt cập bến Cà Mau an toàn.

Sau thắng lợi của các tàu Phương Đông, để tăng cường cho chiến trường miền Nam, Bộ Quốc phòng cho đóng mới tàu sắt, có trọng tải lớn, tốc độ cao, đảm bảo đi đường xa và sức chịu gió lớn để trang bị cho Đoàn 759. Ngày 17-3-1963, Trà Vinh đón chiếc tàu sắt đầu tiên cập bến an toàn.

Nhận được sự chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc, quân và dân miền Nam nói chung và quân dân đồng bằng sông Cửu Long vô cùng phấn khởi. Từ đây, vũ khí, khí tài quân sự và một số nhu cầu khác của chiến trường được giải quyết một bước cơ bản. Những chuyến tàu không chỉ chở vũ khí, đạn dược mà còn đưa vào nhiều loại vật tư để sản xuất vũ khí tại chỗ. Cũng từ những loại vũ khí, khí tài theo đường Hồ Chí Minh trên biển của Đoàn tàu không số đưa vào, quân giải phóng đã đánh nhiều trận lớn, làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ. Ở miền Trung Nam bộ tiêu biểu có trận Ấp Bắc (2-1-1963) một chiến thắng không chỉ có ý nghĩa của một trận đánh, một chiến dịch - nơi đọ sức giữa quân địch đông hơn ta gấp 10 lần, có vũ khí trang bị hiện đại… Trận Ấp Bắc đã mở đầu chiến dịch “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, báo hiệu sự phá sản của chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ. Ở miền Tây Nam bộ là chiến dịch tiến công tổng hợp Thu - Đông 1963 nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá ấp, phá kìm, giành quyền làm chủ thôn ấp.

(Còn tiếp)