Quyết sách kịp thời, đúng đắn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó khăn bởi dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến người lao động và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những biện pháp cấp bách của Chính phủ, sự vào cuộc nhanh chóng của các địa phương cùng sự ủng hộ của người dân đang khiến những khó khăn này vơi đi.
Hàng hóa phong phú trong một siêu thị ở Hà Nội

Hàng hóa phong phú trong một siêu thị ở Hà Nội

Dịch bệnh ảnh hưởng mạnh đến việc làm và thu nhập của người lao động

Từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam đã phải đương đầu với đợt dịch Covid-19 lần thứ ba và lần thứ tư diễn ra liên tiếp. Đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4-2021 đang lan rộng, tấn công vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của cả các doanh nghiệp và người dân.

Theo con số thống kê, từ khi đợt dịch Covid lần thứ tư bùng phát đến nay, có khoảng 9,1 triệu người lao động bị tác động, trong đó có 540.000 người rơi vào tình trạng mất việc làm, 21% lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng. Đặc biệt, các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bắc Giang và Bắc Ninh bị ảnh hưởng rất lớn.

Làn sóng dịch bùng phát trở lại đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động. Trong quý II-2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,62%, riêng khu vực thành thị là 3,36%, tăng 0,17 điểm phần trăm so với quý trước. Đời sống của phần lớn người lao động bị ảnh hưởng do thu nhập bị giảm sút và mất việc làm. Tính tổng thể, có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Thu nhập của lao động làm công ăn lương chỉ đạt 6,8 triệu đồng, giảm 411 nghìn đồng so với quý trước…

Trong bối cảnh đó, việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã trở thành vấn đề cấp thiết. Chính phủ đã rất kịp thời khi ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg để giải quyết các khó khăn đặt ra với người lao động và doanh nghiệp nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Theo quyết định của Chính phủ, gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng lần này bằng ngân sách nhà nước sẽ đi thẳng tới người lao động và người sử dụng lao động với khoảng 12 nhóm chính sách khác nhau, với tiêu chí là điều kiện đơn giản nhất, thủ tục đơn giản nhất và làm sao để người ta tiếp cận được nhanh nhất và tăng cường hỗ trợ trực tiếp tiền mặt.

Rút kinh nghiệm từ các đợt hỗ trợ trước, gói chính sách mới sẽ bảo đảm phủ kín được những người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung thêm lao động tự do, đối tượng hiện nay bị ảnh hưởng lớn nhất nhưng cũng khó hỗ trợ nhất. Đi vào cụ thể, người lao động nghỉ việc không hưởng lương 15 ngày liên tục đến dưới 1 tháng được hỗ trợ 1,85 triệu đồng/người; từ 1 tháng trở lên là 3,71 triệu đồng/người, tính từ ngày 1-5-2021 đến hết năm 2021. Với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác, mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50 nghìn đồng/người/ngày, căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Nhiều biện pháp trợ giúp và bảo đảm cuộc sống cho người dân

Chủ trương “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch Covid-19 đang được triển khai nhanh chóng trên cả nước, nhất là tại các địa phương có dịch, cũng như trong các lĩnh vực liên quan, góp phần tạo thêm động lực cho công cuộc phòng chống dịch bệnh cũng như thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Chính phủ.

Theo thống kê, đến hết ngày 16-7, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã hoàn tất thủ tục, gửi thông báo đến 375.335 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với hơn 11,2 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022) khoảng 4.322 tỷ đồng. Trong đó, TP.HCM với 101.356 doanh nghiệp, tương ứng hơn 2,3 triệu người lao động, được hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng. Theo sau là Hà Nội có trên 87.000 doanh nghiệp với hơn 1,4 triệu người lao động, được hỗ trợ trên 640 tỷ đồng.

Bộ Công Thương có công văn hỏa tốc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp bảo đảm hàng hóa thiết yếu cung ứng cho các địa phương phía Nam có dịch. Theo đó, các tỉnh, thành phố tạo luồng “ưu tiên đặc biệt” cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ Chương trình bình ổn thị trường cung ứng cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dịch bệnh đang phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội.

Đặc biệt, các địa phương đều có nhiều biện pháp cụ thể nhằm trợ giúp và bảo đảm cuộc sống của người dân trong dịch bệnh. Từ 20h ngày 22-7, TP.HCM đã đưa vào hoạt động Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân qua Cổng thông tin 1022. Người dân có thể phản ánh thông tin về các hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm; về các chính sách hỗ trợ chưa được hưởng; về các trường hợp khác trong xã hội cần hỗ trợ như người già neo đơn, trẻ cơ nhỡ… để các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết.

TP.HCM cũng đã tổ chức 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được phân bổ rộng khắp địa bàn thành phố. Danh sách và địa chỉ cụ thể của các điểm bán được công khai trên Cổng thông tin điện tử của thành phố. Bên cạnh đó, thành phố còn tổ chức 388 điểm bán hàng bình ổn lưu động, nhằm giúp người dân nghèo, khó khăn, người dân tại các khu cách ly, vùng phong tỏa được tiếp cận nguồn hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu.

Với Hà Nội, thành phố đã đảm bảo dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các tình huống có thể xảy ra. Các doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 (phương án dự trữ hàng cao nhất) của Sở Công Thương Hà Nội trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng, lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.

Để lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm. Các siêu thị và nhà sản xuất cũng cam kết không tăng giá bán vào thời điểm này, không để đứt gãy, thiếu hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.