Quyết liệt với quan tham

ANTĐ - Trong nỗ lực ngăn chặn nạn tham nhũng đã đến mức nguy hiểm, Ban tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa ra thông tư yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt quy định các quan chức phải kê khai tài sản cá nhân cũng như thu nhập của các thành viên trong gia đình.

Phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân về tội tham nhũng

Dựa trên Điều lệ Đảng sửa đổi ban hành năm 2010, Thông tư yêu cầu các quan chức Trung Quốc phải báo cáo trình trạng hôn nhân, tài sản, thu nhập của con cái và của vợ hoặc chồng, các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài cũng như các hoạt động đầu tư khác. Thông tư cũng nêu rõ quan chức nào không báo cáo tài sản sẽ không được thăng tiến và có thể phải chịu các hình phạt từ khiển trách đến sa thải, đồng thời chỉ rõ công tác giám sát sẽ được tăng cường để đảm bảo các báo cáo tài sản là chính xác. 

Bất chấp các biện pháp ngăn chặn, tham nhũng vẫn tiếp tục là thách thức lớn với Trung Quốc. Một bản báo cáo của Ban tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ: “Nếu không được xử lý thỏa đáng, các vấn đề về tác phong làm việc và tham nhũng sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho Đảng, thậm chí còn đẩy Đảng và đất nước đến chỗ diệt vong”. Chính vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đặt mục tiêu trong vòng 5 năm sẽ tạo được sự hài lòng trong dân chúng.

Kể từ khi đảm nhận cương vị Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã mở một chiến dịch quy mô để bài trừ tham nhũng, cam kết không chỉ nhắm vào những quan chức cấp thấp ở địa phương mà ngay cả các quan chức cấp cao ở trung ương cũng sẽ bị nghiêm trị. Ngày 25-12 vừa rồi, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch 5 năm (2013-2017) về chống tham nhũng, nhằm lấy lại lòng tin của người dân, chấm dứt các cuộc biểu tình đòi công bằng xã hội, cũng như giải quyết những trở ngại do tham nhũng gây ra trong quá trình đổi mới kinh tế.

Để củng cố sự trong sạch của đội ngũ cán bộ nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật Trung Quốc đã tiến hành điều tra và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều quan chức cấp cao có hành vi sai phạm. Chẳng hạn, Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lý Đông Sinh đang bị điều tra cáo buộc “vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng”. Một tòa án ở tỉnh Quảng Đông vừa kết án Hoàng Chí Quang, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban chính hiệp Thâm Quyến, 14 năm tù vì tội nhận hối lộ. 

Gần đây nhất, hôm 28-12 vừa rồi, 512 đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Hồ Nam đã bị bãi nhiệm, sa thải hoặc từ chức vì dính líu tới đưa và nhận hối lộ để gian lận kết quả bầu cử, tạo điều kiện cho 56 đại biểu hối lộ trúng cử hội đồng tỉnh. Trong vụ này, tổng số tiền hối lộ lên tới 110 triệu Nhân dân tệ (hơn 18 triệu USD). 56 đại biểu trúng cử nói trên đã bị bãi nhiệm trong phiên họp toàn thể hội đồng nhân dân tỉnh.

Với việc ra thông tư yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt quy định các quan chức phải kê khai tài sản cá nhân cũng như thu nhập của các thành viên trong gia đình, Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp cứng rắn với tham nhũng. Nước này cũng sẽ thí điểm thực hiện công khai một số thông tin về ngành nghề, tài sản, xuất cảnh… của vợ/chồng, con em cán bộ mới đề bạt; xây dựng và kiện toàn chế độ quản lý vợ/chồng và con em công chức, viên chức nhà nước định cư ở nước ngoài. Nhằm chặn tay quan tham, Ủy ban Kỷ luật kiểm tra Trung ương Trung Quốc đã xây dựng chế độ phòng chống rủi ro liêm chính, cơ chế cảnh báo rủi ro, sửa sai lỗi lầm, giám sát nội bộ và bên ngoài, đánh giá thử thách và truy cứu trách nhiệm đối với đối tượng chủ chốt, lĩnh vực trọng điểm và khâu then chốt.