Quyết liệt thu hồi đất dự án hoang hóa

ANTĐ - Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Vũ Văn Hậu đã khẳng định như vậy sáng qua, 3-12, bên hành lang kỳ họp thứ 6 của HĐND TP Hà Nội khóa XIV. Theo đó, các dự án được thành phố giao đất nhưng không đảm bảo tiến độ, đã cảnh báo nhiều lần, sẽ xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí sẽ thu hồi đất.

Cần thu hồi ngay những dự án để hoang hóa đất đai, tránh lãng phí. Ảnh: PHÚ KHÁNH

(Trong ảnh: Người dân trồng rau trên đất một dự án bỏ hoang tại Mỹ Đình, Hà Nội)

- PV: Trên địa bàn Hà Nội, tình trạng lãng phí trong sử dụng đất dự án còn phổ biến. Sở TN-MT có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

- Ông Vũ Văn Hậu: Chúng tôi đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm về nội dung này. Trong đó, một số hạn chế yếu kém được chỉ rõ như: việc quy hoạch sử dụng đất không sát, một số nội dung hướng dẫn chậm dẫn đến chậm đầu tư trong các dự án, nhiều chủ đầu tư chưa đủ năng lực, khâu hậu kiểm chưa quyết liệt. Chúng tôi đã báo cáo thành phố dừng những dự án để lãng phí, hoang hóa đất như vậy, đồng thời báo cáo Bộ TN-MT để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015. 

- Với những đất dự án để hoang hóa lâu ngày, thành phố sẽ xử lý thế nào?

- Chúng tôi cho rằng vấn đề quan trọng là phải tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư. Trong thời điểm tình hình kinh tế có nhiều khó khăn hiện nay, điều này rất có ý nghĩa để các doanh nghiệp, chủ đầu tư hoàn thành được dự án. Còn nếu những chủ đầu tư đã được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn hoặc đã được cảnh báo nhưng vẫn không thực hiện được, chúng tôi dứt khoát trình thành phố thu hồi đất. Đất thu hồi có thể đấu giá hoặc dành xây dựng các công trình công cộng. Hiện Sở TN-MT đang phối hợp với các quận/huyện kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động này. 

- Thực tế không chỉ những doanh nghiệp nhỏ mà nhiều chủ đầu tư là các tổng công ty lớn, năng lực tài chính tốt, nhưng vẫn để lãng phí, hoang hóa đất dự án?

- Việc này có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân khách quan như các chính sách liên quan, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… còn một số bất cập. Hiện nay đúng là việc kiểm soát năng lực tài chính của các chủ đầu tư chưa được hiệu quả. Ví dụ, giao cho chủ đầu tư quyền triển khai dự án, theo quy định nếu họ có 20% vốn đầu tư thì có thể được chọn, tuy nhiên cái khó ở chỗ, không kiểm soát được họ làm bao nhiêu dự án cùng lúc hoặc dự án này được triển khai tại bao nhiêu tỉnh/thành phố. Để khắc phục, trước đây Hà Nội đã có văn bản gửi các tỉnh/thành phố khác, đặc biệt là những nơi các doanh nghiệp cùng triển khai dự án, nhưng việc trao đổi giữa các địa phương với nhau chưa có trách nhiệm cao. 

- Nhiều khu đô thị như Việt Hưng, Pháp Vân, Linh Đàm… sau khi xây dựng vẫn để lại những lô đất rất lớn, chưa biết ngày nào hoàn thành. Vì sao lại có tình trạng lãng phí này?

- Tình trạng này chúng tôi cũng đã kiểm tra và cử tri cũng đã có ý kiến. Không phải một số lô đất để trống này không có mục đích sử dụng trong quy hoạch dự án, mà trong quy hoạch đã rõ nhưng khi triển khai thực hiện thì một số chủ đầu tư thường quan tâm tới việc đầu tư những công trình hoàn vốn nhanh. Còn các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chưa phải là bức xúc, cấp bách, lại chưa được đôn đốc quyết liệt nên họ chậm trễ triển khai. Hiện thành phố giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất để rà soát toàn bộ quỹ đất này. 

- Tình trạng lãng phí đất lớn như vậy liệu có phải do việc giao đất quá dễ dãi? Theo ông, bao giờ tình trạng này mới được khắc phục?

- Theo Luật, nếu quy hoạch được duyệt, dự án được duyệt hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư thì không lý gì ngành tài nguyên môi trường lại không cấp đất. Có điều sự dễ dàng trong quá trình thẩm tra năng lực chủ đầu tư cần phải khắc phục.

Còn để khắc phục tình trạng lãng phí đất đai như hiện nay, tôi cho rằng sẽ phải khắc phục dần, khó khắc phục ngay được. Trước hết, thành phố vẫn phải tháo gỡ cho chủ đầu tư để đưa đất vào sử dụng hiệu quả. 


- Cảm ơn ông!