Quyết liệt, thần tốc dập dịch

ANTD.VN - Dù đợt dịch Covid-19 hiện nay diễn biến phức tạp, khó lường với số ca mắc tăng cao, nhiều ca không rõ nguồn lây, song tin tưởng với các biện pháp quyết liệt, nhanh chóng cùng chiến lược đúng đắn, chúng ta nhất định sẽ sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân, khôi phục, đẩy mạnh sản xuất.
Lực lượng y tế khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm phát hiện các ca mắc để sớm khoang vùng cách ly dập dịch

Lực lượng y tế khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm phát hiện các ca mắc để sớm khoang vùng cách ly dập dịch

Dịch dù phức tạp nhưng vẫn đang được kiểm soát

Từ khi xuất hiện ca mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) ngày 23-1-2020 tới nay, đã có 4 đợt dịch tại nước ta. Tuy nhiên, chưa đợt dịch nào phức tạp, lây lan nhanh với nhiều ca mắc như đợt dịch thứ tư này kể từ ca bệnh công bố ngày 27-4, tức là gần một tháng trước. Một nguyên nhân là do biến chủng SARS-CoV-2 từ Ấn Độ và Anh gây ra đợt dịch Covid-19 lần này lây lan rất nhanh. Ngoài ra, độc lực của biến thể từ Ấn Độ có nhiều ca nặng hơn so với biến chủng trước đây.

Một điều cũng đáng lo ngại là dịch bệnh đã lây lan trong các khu công nghiệp ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, nơi tập trung hàng trăm nghìn công nhân, có nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn. Hiện cả nước có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động nên nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn.

Theo thông tin mới nhất, vào đầu giờ chiều 25-5 tại tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận thêm hơn 300 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, là những ca được phát hiện nhờ tổng lực tăng tốc xét nghiệm trong 3 ngày qua (từ 22 đến 25-5) mà Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Bắc Giang và các lực lượng y tế đã triển khai tại tất cả các khu công nghiệp, các nhà máy và khu lưu trú của công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Bắc Giang hiện là tỉnh “nóng” nhất trong đợt dịch này.

Khẩn trương nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19 là điều rất quan trọng trong chiến lược phòng chống dịch tại nước ta

Khẩn trương nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19 là điều rất quan trọng trong chiến lược phòng chống dịch tại nước ta

Mặc dù vậy, đợt dịch thứ tư này vẫn đang được kiểm soát do hầu hết các trường hợp mắc mới đã xác định được nguồn lây và là các trường hợp đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa. Như hơn 300 ca dương tính SARS-CoV-2 công bố trưa 25-5 ở Bắc Giang đều là công nhân đang lưu trú tại khu vực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và đang được kiểm soát.

Trong khi đó, dịch cơ bản hiện đã được kiểm soát tại hầu hết các địa phương như Yên Bái, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Hải Phòng, Quảng Trị, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Ninh Bình, Tuyên Quang, Sơn La... Có 6 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới. Tại 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, dịch bùng phát với số ca mắc cao, xảy ra tại khu công nghiệp và lây lan ra cộng đồng.

Hai tỉnh tâm dịch này đã quyết liệt, mạnh mẽ triển khai phong tỏa, cách ly triệt để các khu vực có trường hợp mắc bệnh, thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa bàn và tạm dừng hoạt động của một số khu công nghiệp (tại Bắc Giang), một số công ty (tại Bắc Ninh) để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch. Các trường hợp mắc mới có thể sẽ tiếp tục được ghi nhận trong những ngày tới do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai tỉnh đang từng bước được kiểm soát. Các trường hợp hầu hết đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa.

Thực hiện thần tốc và hiệu quả chiến lược vacicne

Trước diễn biến phức tạp và nhanh của “đợt dịch nguy hiểm nhất” từ trước tới nay tại nước ta, việc sớm ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi đợt dịch Covid-19 thứ tư này hiện đã trở thành nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Trong đó, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải ngăn chặn, đẩy lùi dịch tại các khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp tại hai tâm dịch Bắc Giang và Bắc Ninh, cũng là hai địa phương có số lượng lớn các khu công nghiệp với hàng trăm nghìn công nhân, người lao động.

Để tập trung phòng chống, dập dịch hiệu quả, có phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, trước hết tất cả các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn Covid-19. Kiên quyết dừng hoạt động các nhà máy, khu công nghiệp khi không đảm bảo an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống. Thực hiện ngay khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và những người liên quan (người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn…).

Đối với “điểm nóng” Bắc Giang, Bộ Y tế yêu cầu ngay lập tức “đóng băng” tất cả các khu nhà ở của công nhân; đảm bảo cách ly nghiêm ngặt, nhất là các khu nhà cao tầng nơi có đông công nhân sinh sống; áp dụng thiết chế về cách ly tập trung tại các khu vực này- coi như là nơi cách ly tập trung. Cùng đó, tuyệt đối không cho người ở ra khỏi nhà, phòng ở và tiến hành xét nghiệm định kỳ, liên tục để làm sạch những khu vực có công nhân lưu trú.

Đi đôi với những biện pháp cấp bách trên, thực hiện nghiêm chiến lược “5K + Vaccine”, triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả chiến lược vaccine. Nhấn mạnh việc thực hiện thần tốc và hiệu quả chiến lược vacicne là điểm rất quan trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan, ban, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện bằng được chiến lược vaccine với tinh thần “Quyết liệt hơn nữa, thần tốc hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa, hiệu quả hơn nữa”.

Dù chúng ta vẫn đang kiểm soát nhưng tình hình dịch Covid-19 sắp tới được dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường, có thể ảnh hưởng tới nhiều hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, nhất là hoạt động của các khu công nghiệp và một số trung tâm kinh tế lớn. Vì thế, hơn lúc nào hết, chúng ta cần quyết tâm cao nhất, dập dịch triệt để trong thời gian nhanh nhất, với tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội.