Quyết liệt phòng ngừa, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm mùa lễ hội

ANTD.VN - Nắm được quy luật vào dịp trước, trong và sau Tết, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ được tuồn ra thị trường để "đáp ứng" nhu cầu của người tiêu dùng, lượng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội đã triển khai các kế hoạch đấu tranh, mạnh tay xử lý  vi phạm…

Lực lượng liên ngành Hà Nội tiến hành kiểm tra ATTP 

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ cuối năm 2018 đến nay, trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội đã không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đây là dấu hiệu đáng mừng, thể hiện nỗ lực vào cuộc của cơ quan chức năng, chung tay xử lý thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh ATTP. Tuy nhiên theo nhận định của chỉ huy phòng CS Môi trường, tuyệt đối không thể chủ quan, nhất là dịp đầu năm...

Thời điểm "vàng" của thực phẩm "bẩn"

Thượng tá Trần Anh Tuấn - Trưởng Phòng CS Môi trường CATP Hà Nội cho biết, theo quy luật, vào dịp cuối năm và sau Tết Âm lịch, nhu cầu tiêu dùng đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa của người dân tăng cao. Đây cũng là cơ hội cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm mất vệ sinh, không đảm bảo ATTP lợi dụng.

Không chỉ riêng các thành phố lớn như Hà Nội mà ngay nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tình trạng thực phẩm bẩn thừa dịp trà trộn, len lỏi được đưa vào thị trường bán cho người tiêu dùng trở nên phổ biến.

Sự “đổ bộ” của những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, đặc biệt là các dịp lễ hội, chính là thời điểm "vàng", là mảnh đất màu mỡ cho đối tượng kinh doanh thực phẩm bẩn hoạt động. Nhiều hàng, quán bày bán các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP, khiến người tiêu dùng vô cùng e ngại.

Thực hiện đợt cao điểm trấn công, trấn áp các loại tội phạm trước, trong và đặc sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 của Ban Giám đốc CATP và trước thực tế trên, phòng CS Môi trường đã triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề tập trung đấu tranh những vi phạm trong lĩnh vực ATTP; đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, trong đó có công tác phối hợp bảo vệ lễ hội chùa Hương.

“Phòng CS Môi trường tăng cường hàng trăm lượt CBCS phối hợp tham gia bảo vệ lễ hội chùa Hương, đồng thời hóa trang, trinh sát nắm tình hình, tham gia đoàn công tác thường xuyên tiến hành kiểm tra vệ sinh ATTP các nhà hàng kinh doanh ăn uống trong khu vực lễ hội”, Thượng tá Trần Anh Tuấn thông tin thêm.

Trung tá Nguyễn Ngọc Cầm - Đội trưởng Đội 3, phòng CS Môi trường CATP Hà Nội cho biết, một thực tế khiến người tiêu dùng và thậm chí cơ quan chức năng nếu không quản lý tốt sẽ rất dễ bị các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực ATTP “qua mặt”; đó là chế biến, sản xuất các mặt hàng thực phẩm với các công đoạn được thực hiện hết sức tinh vi như tẩm ướp, tẩy xóa, in dán lại nhãn mác, thời hạn sử dụng. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Cũng theo Trung tá Nguyễn Ngọc Cầm, các đơn vị của phòng CS Môi trường những ngày qua được giao thực hiện trinh sát, nắm bắt chặt chẽ tình hình vi phạm về ATTP trong đó đặc biệt là tại lễ hội Chùa Hương. Đây là nơi diễn ra lễ hội với thời gian dài, có nhiều hàng quán kinh doanh ăn uống phục vụ khách.

Thực phẩm được các cửa hàng kinh doanh buôn bán tại chùa Hương được để ngăn nắp trong tủ kính

Thiếu tá Nguyễn Hồng Dũng – phó Đội trưởng Đội 3 thông tin thêm, được sự hướng dẫn cũng như kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, nhiều năm gần đây, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cũng như các hộ kinh doanh ăn uống đã chuyển biến rõ về ý thức. Hiện tượng bày bán thực phẩm "lộ thiên" đã không còn.

“Các chủ hàng ăn uống đều được tập huấn, cấp Giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh ATTP; các biển hiệu, tủ quầy được ghi tên, lắp đặt đồng bộ, cùng kích cỡ theo quy định. Thực phẩm được các quán, nhà hàng bày trong tủ kính, được bảo quản giữ gìn vệ sinh, không gây phản cảm”, Thiếu tá Nguyễn Hồng Dũng chia sẻ.

Nhìn nhận, chia sẻ về công tác đảm bảo vệ sinh ATTP ở các khu lễ hội, Trung tá Vũ Thị Hoàng Yến, Đội trưởng Đội 6, phòng CS Môi trường CATP Hà Nội cho rằng: “Thực tế, vẫn còn không ít người tiêu dùng chưa lưu tâm đến nguồn gốc xuất xứ của loại hàng hóa, thực phẩm mình mua. Lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, một số đối tượng đã trá hình các loại thịt gia súc, gia cầm… mang từ quê ra bán theo dạng thực phẩm sạch có nguồn gốc. Nhưng thực chất, đó vẫn là những sản phẩm chưa qua kiểm định, thậm chí còn kém chất lượng. Do vậy, bên cạnh việc mạnh tay xử lý thì cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP để người tiêu dùng hiểu biết và nâng cao cảnh giác, tẩy chay với thực phẩm bẩn”.