Quyết liệt ngăn chặn đợt dịch Covid-19 nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
ANTD.VN - Nhìn tổng thể, dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường tại nước ta khi dịch cơ bản kiểm soát tốt tại các địa phương phía Bắc, song vẫn tiếp tục gia tăng tại một số địa phương phía Nam, trong đó phức tạp bậc nhất là ở TP.HCM. Điều đó đòi hỏi phải tập trung, dồn lực để sớm kiểm soát, dập dịch tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TP.HCM tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và tra kết quả nhanh nhất có thể để sớm sàng lọc, phát hiện các ca nghi mắc Covid-19

TP.HCM tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và tra kết quả nhanh nhất có thể để sớm sàng lọc, phát hiện các ca nghi mắc Covid-19

Những nguyên nhân khiến dịch lây lan nhanh

Tính tới trưa ngày 5-7, nước ta đã ghi nhận tổng cộng 20.508 ca mắc Covid-19, trong đó 18.650 ca ghi nhận trong nước và 1.858 ca nhập cảnh. Đáng chú ý, dù chỉ mới bùng phát hơn 2 tháng, song đợt dịch lần thứ tư, tính từ ngày 27-4 tới nay, đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 rất cao là 17.080 trường hợp.

Nếu như trong giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4, dịch bệnh diễn ra phức tạp tại Hà Nội và nhất là 2 tâm dịch Bắc Ninh và Bắc Giang thì giai đoạn tiếp theo, dịch lại diễn biến khó lường tại các địa phương phía Nam, nhất là TP.HCM. Tính đến trưa ngày 5-7, có 6.724 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, trong đó có 6.473 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và 251 trường hợp nhập cảnh. Đặc biệt, trong tổng số hơn 910 ca bệnh trong ngày 3-7, TP.HCM có tới 714 ca bệnh. Đây cũng là ngày có số ca bệnh cao nhất trong đợt dịch lần này.

Có thể nói, những ngày qua, số ca mắc Covid-19 ở nhiều tỉnh phía Nam, nhất là TP.HCM, liên tục tăng. Số ca mắc mới tại thành phố là trung tâm kinh tế - xã hội hàng đầu của cả nước này liên tục ở mức 3 con số trong nhiều ngày liên tiếp. Trong giai đoạn đầu xuất hiện các ca bệnh Covid-19, TP.HCM sau 51 ngày mới có số ca mắc vượt ngưỡng 1.000 trường hợp (từ 27-4 đến 16-6). Sau đó, cứ trung bình khoảng mỗi 4 ngày, số ca mắc lại tăng thêm 1.000 trường hợp. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một tuần từ 1 đến trưa ngày 5-7, số bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM đã tăng từ mốc 3.000 lên 6.473 trường hợp, vượt Bắc Giang để trở thành địa phương có số ca bệnh cao nhất cả nước.

Trên cương vị Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế ở TP.HCM từ ngày 14-6 đến nay, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, việc số ca mắc Covid-19 ở một số địa phương phía Nam, trong đó có TP.HCM, liên tục tăng nhanh trong những ngày gần đây có nhiều lý do. Nguyên nhân trước hết là do tính chất phức tạp của biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2, chủng virus gây ra đợt dịch hiện nay ở các địa phương này. Đây là biến chủng virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan rất nhanh đặc biệt khi tiếp xúc gần.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, đợt dịch này lây nhiễm, bùng phát trong hàng xóm, gia đình, nơi làm việc, đặc biệt các tòa nhà văn phòng, cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh... Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, thành phố có mật độ dân tập trung ở khu chợ, hoặc khu đông dân cư nên có ca bệnh sẽ lây lan nhanh. Thêm nữa, đây là địa bàn có những nhà máy lớn đông công nhân, khu công nghiệp. Do đó, một công nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng đi vào làm việc cũng có khả năng lây lan cho cả một quần thể người lao động.

Đáng lo ngại, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, dịch không chỉ khu trú tại TP.HCM mà lan sang một số địa phương giáp ranh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh xa có mối quan hệ rất mật thiết với thành phố như Tiền Giang, Đồng Tháp… mối giao thương hai chiều cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ cả hai địa phương. Đặc biệt, các ca nhiễm cộng đồng bắt đầu có xu hướng xảy ra cao gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM còn rất phức tạp, khó lường.

Dồn lực dập dịch Covid-19 tại các địa phương phía Nam

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại một số địa phương phía Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 4-7 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP.HCM và 7 tỉnh lân cận (gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức của các tỉnh có dịch, trong đó có TP.HCM và các tỉnh lân cận, các lực lượng tuyến đầu, song nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, khó dự đoán, khó lường tại khu vực TP.HCM và các tỉnh xung quanh, nếu không có biện pháp điều chỉnh nhanh, tích cực, hiệu quả hơn thì tình hình sẽ mất kiểm soát.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM có ảnh hưởng lớn đến các tỉnh trong khu vực, đồng thời việc phòng, chống dịch cũng khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi phải tập trung ưu tiên chỉ đạo, xử lý. Thủ tướng nhấn mạnh, phải tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng căn cứ tình hình cụ thể để xác định thứ tự ưu tiên giữa chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Tinh thần là kết hợp sức mạnh tổng lực để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Nhằm sớm kiểm soát, dập dịch tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trong cuộc trực tuyến kéo dài 2 giờ với lãnh đạo TP.HCM ngày 5-7 cho rằng, hiện tại TP.HCM đang giãn cách xã hội trên tinh thần áp dụng Chỉ thị 10 của thành phố, nói cách khác là thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ toàn thành phố và theo Chỉ thị 16 ở một số khu vực. Phó Thủ tướng nêu rõ, với TP.HCM hiện nay, không đặt vấn đề đóng băng hay phong tỏa nhưng thống nhất với quan điểm là sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố (người ra vào thành phố phải có xét nghiệm Covid-19) sao cho hàng hóa phải được lưu thông, không bị ách tắc.

Thể hiện quyết tâm bằng những biện pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm sớm chặn đà lây lan của dịch bệnh, TP.HCM hiện đang tập trung chấn chỉnh, nâng cao công tác lấy mẫu xét nghiệm, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, trả kết quả ngay, tránh tồn đọng mẫu… Tất cả các bộ phận chức năng của thành phố phải tập trung tối đa cho công tác truy vết, bởi truy vết càng nhanh, càng sớm phát hiện cách ly F0, F1 ngăn chặn lây lan ra xã hội.

TP.HCM sẽ đẩy mạnh điều tra dịch tễ, truy vết nhanh F0, cách ly tập trung F1 được thực hiện trong thời gian ngắn, ngành Y tế đặt mục tiêu trong vòng 1 giờ khi phát hiện F0, phải truy vết xong các F1; tiến hành xét nghiệm lặp lại từ 1-3 ngày/lần ở những khu có nguy cơ cao. TP.HCM cũng tăng cường quản lý giám sát phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp (9/15 khu công nghiệp của thành phố đã phát sinh các ca mắc Covid-19, các ổ dịch với số lượng ngày càng lớn); kiểm soát tốt khu lưu trú, ký túc xá, nơi công nhân thuê trọ.

Cùng với đó, TP.HCM và các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K + Vaccine” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ và rộng rãi, vừa làm vừa hoàn thiện dần. Cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền đang hành động một cách quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả để sớm chặn đứng đợt dịch phức tạp, nguy hiểm nhất từ trước tới nay.