Quyết liệt đua nước rút vào Nhà Trắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các ứng cử viên tham gia chạy đua vào Nhà Trắng đang nỗ lực tăng tốc trong tuần cuối cùng trước ngày bầu cử 5-11 với một lịch trình dày đặc vận động tranh cử trong chặng đua nước rút tại những bang chiến trường mang tính quyết định tới chiến thắng chung cuộc. Kết quả của các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc cho thấy đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump vẫn đang bám đuổi nhau hết sức sít sao và quyết liệt.

Nỗ lực tới giờ chót

Vào thời điểm còn chưa đầy một tuần nữa là tới cuộc bầu cử chính thức diễn ra ngày 5-11 với đại đa số cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để quyết định ứng cử viên nào - đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump - sẽ trở thành vị Tổng thống thứ 47. Cả hai ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa đều đang nỗ lực tối đa trong chặng đua nước rút này để thuyết phục cử tri Mỹ bỏ phiếu cho mình, đặc biệt là tại các bang chiến trường.

Hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump đều đang nỗ lực tiến hành vận động tranh cử trong giai đoạn nước rút vào Nhà Trắng

Hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump đều đang nỗ lực tiến hành vận động tranh cử trong giai đoạn nước rút vào Nhà Trắng

Bà Kamala Harris đã dành trọn một ngày 27-10 để vận động ở bang chiến trường Pennsylvania. Nữ Phó Tổng thống sau đó đã đến Michigan và trở về Washington vào ngày 29-10, rồi lại tới Wisconsin vào ngày 30-10. Nữ ứng cử viên của đảng Dân chủ cũng dự định đến hai bang chiến trường khác là Bắc Carolina và Pennsylvania trước khi tới hai bang Nevada và Arizona vào ngày 31-10.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump đã tổ chức mỗi ngày một cuộc cuộc mít tinh tại các bang chiến trường, vào ngày 28-10 tại bang Georgia, ngày 29-10 tại bang Pennsylvania và ngày 30-10 tại bang Wisconsin. Ông Donald Trump dự kiến trở lại 3 bang chiến trường trước khi khép lại chiến dịch tranh cử với bang Nevada vào ngày 31-10, bang Wisconsin ngày 1-11 và cuối cùng tại bang Virginia ngày 2-11. Tuy nhiên, lịch trình những ngày cuối của cả bà Kamala Harris và ông Donald Trump có thể thay đổi dựa trên diễn biến “nóng” trên thực địa.

Theo kết quả khảo sát trên toàn quốc mới nhất của Hãng tin CNN, bà Kamala Harris đang tạm dẫn trước ông Donlad Trump với khoảng cách rất sít sao là 48,6% và 47,9%. Trong khi đó, cuộc thăm dò toàn quốc do Báo The New York Times và Siena College thực hiện cho thấy hai ứng cử viên Kamala Harris và Donlad Trump đang hòa nhau trên toàn quốc với tỷ lệ 48%, còn 4% còn lại vẫn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Tuy nhiên, kết quả này có thể không phản ánh đúng thực tế bởi chiến thắng chung cuộc được quyết định tại 7 bang chiến trường chứ không phải khảo sát trên bình diện cả nước Mỹ.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu về bầu cử Mỹ đã liên tục đưa ra cảnh báo về giá trị dự báo hạn chế của các số liệu thăm dò dư luận. Các chuyên gia đã ghi nhận xu thế thu hẹp cách biệt giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump từ tháng 8 đến nay, song nhấn mạnh dù cách biệt đó là 3 điểm hay 1 điểm phần trăm, nó vẫn nằm trong biên độ sai số, không thực sự có ý nghĩa về thống kê và kết quả bỏ phiếu có thể thay đổi theo cả hai hướng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thời điểm bầu cử càng đến gần, kết quả thăm dò có thể sẽ càng thiếu chính xác, vì một bộ phận cử tri có xu thế ngại bộc lộ quan điểm chính trị của mình khi các cuộc “đấu khẩu” giữa hai phe trở nên gay gắt.

Theo các chuyên gia, trong những kỳ bầu cử sít sao như năm nay, công tác vận động cử tri đi bỏ phiếu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Dù một ứng cử viên có giành được tỷ lệ ủng hộ lớn hơn đối thủ trong các cuộc thăm dò dư luận, nếu bộ phận cử tri ủng hộ ứng cử viên này không chịu đi bầu hoặc bỏ phiếu qua thư, ứng cử viên có tỷ lệ thăm dò/khảo sát cao hơn vẫn hoàn toàn có thể thất bại trước ứng cử viên đối thủ. Đó là lý do mà cả bà Kamala Harris và ông Donald Trump đều kêu gọi ứng cử viên ủng hộ mình đi bỏ phiếu vào ngày 5-11 tới.

Thắng thua quyết định tại các bang chiến trường

Có 50 bang ở Mỹ nhưng vì hầu hết trong số đó gần như luôn bỏ phiếu cho cùng một đảng, ví như bang California và Massachusetts sẽ luôn ủng hộ đảng Dân chủ, trong khi các bang Tennessee và Texas lại chắc chắn ủng hộ đảng Cộng hòa, nên trên thực tế chỉ có một số ít nơi mà cả hai ứng cử viên đều có cơ hội chiến thắng. Đây được gọi là các bang dao động hoặc các bang chiến trường và lá phiếu đại cử tri đoàn tại đây sẽ quyết định cán cân nghiêng về ứng cử viên nào bởi theo luật pháp Mỹ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ không được định đoạt bởi tổng phiếu bầu phổ thông, tức tổng phiếu bầu mà ứng cử viên nhận được từ người dân. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ được bầu chọn bởi một nhóm đại cử tri gồm 538 người. Ứng viên giành chiến thắng tại một bang sẽ giành toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó.

Trong kỳ bầu cử năm nay, Mỹ có 7 bang chiến trường gồm: Pennsylvania (nơi có 19 phiếu đại cử tri), Georgia và Bắc Carolina (cùng 16 phiếu đại cử tri), Michigan (15 phiếu đại cử tri), Arizona (11 phiếu đại cử tri), Wisconsin (10 phiếu đại cử tri) và Nevada (6 phiếu đại cử tri). Hiện, cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn cực kỳ sít sao ở 7 bang chiến trường này.

Các chuyên gia kỳ cựu trong những chiến dịch tranh cử trước đây nhận định, trong cuộc đua năm nay, các sự kiện chính trị lớn dường như có ít tác động đến vị thế của hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump. Hai vụ ám sát ông Donald Trump, một cuộc tranh luận giữa Tổng thống và Phó Tổng thống và các đại hội đảng đã mang lại cho cả ông Donald Trump và bà Kamala Harris sự ủng hộ nhất định, nhưng không tạo ra nhiều khác biệt so với ban đầu.

Tại cuộc bầu cử năm 2000, có nhiều bang cho kết quả sự ủng hộ gần như ngang bằng nhau đối với hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump vào giai đoạn cuối tranh cử. Điều này có thể lặp lại tại cuộc bầu cử năm 2024 này và sự thắng thua của bà Kamala Harris và ông Donald Trump có thể chỉ tính bằng vài nghìn phiếu bầu ở những bang chiến trường.

Áp lực cạnh tranh khốc liệt dẫn đến tình trạng chi tiêu ồ ạt của cả hai ứng viên Kamala Harris và ông Donald Trump, đặc biệt là ở 7 bang chiến trường Georgia, Arizona, Nevada, Bắc Carolina, Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Đến nay, hơn 675 triệu USD đã được cả hai đối thủ chi ra cho thời gian quảng cáo trên truyền hình và kỹ thuật số kể từ ngày 1-9.

Tới giai đoạn chót của cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, còn có 4% cử tri của các bang chiến trường không biết họ sẽ bỏ phiếu như thế nào hoặc liệu họ có bỏ phiếu hay không. Vì thế, mục tiêu lớn nhất của cả hai Ủy ban vận động tranh cử không phải là những người chưa quyết định ủng hộ ai, mà là những người còn phân vân về việc đi bỏ phiếu.

Ủy ban tranh cử của bà Kamala Harris tin rằng, họ đã xây dựng được một tổ chức có thể tiếp cận những cử tri này với hàng trăm người tổ chức vận động và hàng chục văn phòng trên khắp 7 tiểu bang chiến trường. Họ tiến hành lôi kéo những người theo đảng Dân chủ trung thành đến thuyết phục những người theo đảng Cộng hòa ôn hòa từng ủng hộ ông Donald Trump trong các cuộc đua trước đây nhưng không chấp thuận các bản cáo trạng, luận tội và hành vi chung của ông kể từ khi rời nhiệm sở.

Trong khi đó, Ủy ban tranh cử của ông Donald Trump coi những sự kiện gần đây củng cố thông điệp chính trong chiến dịch của họ rằng bà Kamala Harris chưa chuẩn bị, yếu đuối và không có khả năng khôi phục lại cảm giác bình tĩnh mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã hứa khi đắc cử 4 năm trước. Đảng Cộng hòa cũng tin rằng điểm mạnh về kinh tế và nhập cư có thể giúp ứng cử viên Donald Trump của đảng chiến thắng.