Quyết liệt đấu tranh, phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Nhận định tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, giữa tháng 9 vừa qua, Công an quận Nam Từ Liêm đã ban hành kế hoạch số 775 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

1.001 lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thượng tá Vũ Văn Phúc, Phó trưởng CAQ Nam Từ Liêm cho hay, từ đầu năm đến nay, bên cạnh các thủ đoạn lừa đảo "truyền thống" như lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thì đã có nhiều thủ đoạn mới như lừa đảo trên không gian "mạng", lừa đảo qua mua bán hàng trực tuyến. Giá trị thiệt hại của mỗi vụ từ vài trăm nghìn, vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng... khiến người dân vô cùng bức xúc.

Điển hình ngày 20-6, Công an quận Nam Từ Liêm tiếp nhận tin báo của chị N.T.T, đề nghị điều tra làm rõ, xử lý các đối tượng chiếm đoạt tài sản và thu hồi tài sản cho chị. Theo trình báo của chị T, qua mạng xã hội Facebook. chị T quen biết với tài khoản có tên “Monowar Hussain”.

Người này nói sẽ tặng chị T một món quà chuyển từ nước ngoài về. Ngày 28-5, chị N.T.T nhận được điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên công ty chuyển phát quốc tế. Người này nói chị T nhận được một bưu phẩm từ nước ngoài. Để nhận được quà chị T phải nộp một khoản thuế, phí gần 13 triệu đồng. Do tin tưởng nên chị T đã chuyển số tiền này tới tài khoản của một người tên Duong Bao Thang.

Sau khi chị T chuyển tiền, từ ngày 28-5 đến ngày 12-6, chị T liên tục nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại khác nhau với nội dung bưu phẩm của chị có tiền và tài sản từ nước ngoài chuyển về. Người đối thoại còn nói hành vi của chị T là hoạt động rửa tiền vi phạm pháp luật. Những người sử dụng các số điện thoại này yêu cầu chị T phải chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng đối tượng chỉ định, nếu không sẽ bị bắt giam...

Lo sợ, nên chị T đã 3 lần chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng với tổng số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm sau khi tiếp nhận thông tin đã làm rõ đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do các đối tượng người Campuchia cấu kết người Việt Nam thực hiện. Ngoài vụ việc này, các đối tượng còn thực hiện nhiều vụ việc khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Nâng cao nhận thức cho người dân

Cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm ghi lời khai đối tượng lừa đảo chiếm đoạt qua 'mạng'

Cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm ghi lời khai đối tượng lừa đảo chiếm đoạt qua 'mạng'

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, CAQ Nam Từ Liêm đã triển khai hiệu quả biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền thủ đoạn hoạt động của các đối tượng nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động trang bị kiến thức hiểu biết, tự phòng ngừa, không trở thành nạn nhân hoặc tham gia vào các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tích cực cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hoạt động của số đối tượng, ổ nhóm này. Chỉ huy CAQ cũng đặt ra yêu cầu phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tiến hành đồng bộ, liên tục, quyết liệt, tuân thủ các yêu cầu về chính trị, pháp luật và phải được gắn kết với các cuộc vận động, chương trình, dự án kinh tế - xã hội do Đảng, Nhà nước, Thành phố và các đơn vị, địa phương phát động.

Chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm cho hay,đơn vị đã tham mưu với Ban Chỉ đạo 138 các cấp chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ. Kịp thời thông tin rộng rãi, công khai, minh bạch trong nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong triển khai các biện pháp phòng ngừa, kịp thời trao đổi thông tin trong điều tra, xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tấn công quyết liệt tội phạm lừa đảo

Theo Thượng tá Vũ Văn Phúc, để phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, CAQ Nam Từ Liêm đã đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; xây dựng các mô hình, tổ chức quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội liên quan, nhất là các cơ quan truyền thông, báo chí để thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho người dân về chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Một trong những hoạt động phòng ngừa chủ đạo là tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình, để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản” - Thượng tá Vũ Văn Phúc cho hay.

Cùng với đó, CAQ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh; phối hợp kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp, các loại hình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, kinh doanh theo phương thức đa cấp, kinh doanh dịch vụ liên quan đến “tín dụng đen”, kinh doanh môi giới việc làm, nhà đất, đưa người đi xuất khẩu lao động, du học..., kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm. Tổ chức hậu kiểm việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Rà soát, phát hiện, kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo như bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, không gian mạng, xuất khẩu lao động, xin việc làm...

Trong công tác phòng ngừa của lực lượng công an, theo chỉ huy CAQ Nam Từ Liêm, đơn vị đã yêu cầu các đội nghiệp vụ, công an các phường cần nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ, chú trọng điều tra cơ bản, chủ động nắm tình hình, rà soát, xác định các địa bàn trọng điểm, trình độ dân trí thấp, người cao tuổi, người có điều kiện về kinh tế; các lĩnh vực mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường lợi dụng hoạt động như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử..., đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Từ đó rà dựng các đối tượng trọng điểm, các ổ nhóm đường dây có điều kiện, khả năng, biểu hiện nghi vấn hoạt phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tập trung xác minh, xử lý đúng quy định.

CAQ Nam Từ Liêm đã rà soát các nhà cho thuê, chung cư cao tầng cho người nước ngoài thuê lắp đặt nhiều hệ thống truyền phát tín hiệu, lắp đặt đường truyền Internet tốc độ cao; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; tăng cường nắm hộ, nắm người gắn với rà soát, kiểm danh, kiểm diện các loại đối tượng ở địa bàn cơ sở. Kiểm tra, quản lý chặt chẽ các loại giấy tờ công dân, con dấu của cơ quan, tổ chức góp phần phòng, chống hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản...