- Triệt phá đường dây tội phạm mua, bán người ra nước ngoài để bóc lột tình dục
- Cảnh báo thủ đoạn của tội phạm mua bán người
Chiêu trò tinh vi
Năm 2024, công an các đơn vị, địa phương đã điều tra, xử lý 163 vụ mua bán người với 455 đối tượng và 500 nạn nhân. Đáng chú ý, phương thức hoạt động của các đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Theo thống kê, 94% vụ mua bán người đều có liên quan đến mạng xã hội, trong đó các đối tượng sử dụng tài khoản ảo để tuyển mộ, lừa gạt nạn nhân diễn ra phổ biến. Đại tá Phạm Long Biên - Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, nạn mua bán người bây giờ ngoài phụ nữ, trẻ em, thì nam giới cũng chiếm tới 63%.
![]() |
Lực lượng công an tuyên truyền về tội phạm mua bán người cho nhân dân nắm được và phòng ngừa |
Với những chiêu trò như “việc nhẹ, lương cao”, nhiều người đã sập bẫy, bị lừa bán ra nước ngoài, rơi vào cảnh bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, ép kết hôn. Các đối tượng mua bán người hiện chỉ chiếm khoảng 12% là hoạt động đơn lẻ, còn lại 88% là có tổ chức. Thủ đoạn tinh vi và đặc biệt nguy hiểm của chúng thể hiện ở chỗ, tất cả các hành vi được liên kết chặt chẽ, từ đối tượng nhắn tin, kẻ tuyển dụng lao động, kẻ tiếp xúc, kẻ tung tin về thu nhập “khủng” (từ 30 - 40 triệu đồng/ tháng), đến đối tượng móc nối để đưa nạn nhân vượt biên sang nước ngoài.
Những tin nhắn tuyển dụng tiếp tục đánh vào tâm lý người có thu nhập thấp, không có công ăn việc làm, là sẽ được trả lương cao. Có tin nhắn dụ dỗ rất chi tiết như: “Tiền công: 3 triệu đồng/tháng. Bằng cấp: 2 triệu đồng/tháng. Có kinh nghiệm: 2 triệu đồng/tháng. 6 tháng không về phép: Thưởng 20 triệu đồng… Có thâm niên làm việc lương có thể lên đến 100 triệu đồng/tháng… Cơ sở nhận người sẽ hỗ trợ ký túc xá từ 4 - 6 người ở, có đầy đủ kem đánh răng, xà phòng miễn phí”.
Đặc biệt, tội phạm mua bán người còn tổ chức đưa người Việt Nam sang các nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Myanmar để hoạt động lừa đảo với nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động tinh vi. Tại các khu vực này, nạn nhân thường bị ép tham gia lừa đảo trực tuyến và thường là lừa đảo chính người Việt Nam ở trong nước theo kịch bản đã được xây dựng phù hợp với văn hóa và dân trí của người Việt Nam. Nếu nạn nhân không hợp tác hoặc lừa đảo không đủ “chỉ tiêu” thì sẽ bị đánh đập, thậm chí bị tra tấn, chích điện. Người lao động Việt Nam khi rơi vào tay các tổ chức này phải trả khoản tiền chuộc rất cao mới có thể trở về nước.
![]() |
![]() |
Lực lượng chức năng đấu tranh với tội phạm mua bán người |
Ngoài ra, tội phạm mua bán người còn diễn biến phức tạp tại các vùng biển, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Theo thống kê, cả nước có khoảng 90.000 tàu khai thác thủy sản, cần đến 1,53 triệu lao động, trong đó cần ít nhất 700.000 người có tay nghề. Tuy nhiên, nghề biển vốn vất vả, nguy hiểm, khiến nhiều người e ngại. Hiện tại, số lao động biển chỉ đáp ứng được 60-70%. Chính vì thế, các đường dây môi giới lao động biển hoạt động mạnh, trong đó có những đường dây lừa đảo, ép buộc lao động trên các tàu cá, dẫn đến tình trạng cưỡng bức lao động trên biển gia tăng.
Khó khăn, thách thức trong đấu tranh với tội phạm mua bán người
Việc triệt phá các đường dây mua bán người gặp nhiều thách thức, do chúng hoạt động liên kết giữa nhiều quốc gia. Các đối tượng cầm đầu thường không trực tiếp lộ diện mà điều hành từ xa qua điện thoại, mạng xã hội. Những đối tượng trực tiếp đưa nạn nhân qua biên giới thường là người bản địa, thông thạo địa hình, am hiểu quy luật hoạt động của lực lượng chức năng, dễ dàng lợi dụng các tuyến đường hiểm trở để trốn tránh sự kiểm soát. Ngoài ra, việc điều tra và giải cứu nạn nhân người Việt Nam tại nước ngoài còn bị cản trở bởi các quy định pháp luật của nước sở tại. Một số nạn nhân bị khai khống tuổi, làm giả hồ sơ, gây khó khăn trong việc xác minh danh tính.
Qua điều tra, xác minh, nhiều vụ việc chỉ được phát hiện khi nạn nhân trốn thoát và trình báo, khiến công tác điều tra, thu thập chứng cứ gặp trở ngại. Trong các vụ án mua bán người ra nước ngoài, nạn nhân thường bị phát hiện sau nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, làm cho tài liệu, chứng cứ và nhân chứng khó xác định. Một số trường hợp dù có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội, nhưng do chưa giải cứu được nạn nhân, hoặc nạn nhân chưa tố giác, các cơ quan tố tụng không thể khởi tố, khiến nhiều vụ án bị kéo dài hoặc đình chỉ.
Cùng với đó, sự phát triển của mạng xã hội cũng tạo điều kiện cho tội phạm mua bán người hoạt động tinh vi hơn. Các đối tượng chủ yếu lợi dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook để tiếp cận, lừa gạt nạn nhân. Trong khi đó, các biện pháp kỹ thuật số để truy xuất thông tin, điều tra dấu vết tội phạm vẫn còn gặp nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Theo thống kê sơ bộ của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), hàng chục tỷ USD chảy qua kênh lừa đảo trực tuyến liên quan đến mua bán người, trong đó riêng Việt Nam là gần 20 tỷ USD và đó mới chỉ là phẩn nổi của tảng băng. Các nạn nhân thậm chí còn không hề biết mình đã bị các đối tượng mua bán.
Cảnh giác với lời mời tuyển dụng lao động qua mạng xã hội
Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để tội phạm mua bán người hoạt động. Cụ thể, hãy cảnh giác, từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen thông qua mạng xã hội. Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình như thế nào. Từ đó, tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa.
Bên cạnh đó, thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua bán. Ghi nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân… để liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, mỗi người nên tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người.
Dưới góc độ quản lý, các cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tập trung vào nhóm có nguy cơ cao trở thành nạn nhân để có các biện pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Nội dung tập trung tuyên truyền chủ yếu là chính sách pháp luật về phòng chống mua bán người, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng phòng ngừa phát hiện… để nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh, không biến mình thành nạn nhân của loại tội phạm này.
Về phía nhà trường, các cơ sở giáo dục cần quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học; phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống mua bán người.