Quyết liệt chặn Covid-19 tại tâm dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - TP.HCM - trung tâm kinh tế - xã hội lớn bậc nhất của nước ta với hơn 9 triệu người và đóng góp khoảng 26% thu ngân sách quốc gia, đang triển khai những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhằm ngăn chặn đợt lây lan dịch Covid-19 sớm nhất có thể.
TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 15 ngày - bằng một chu kỳ lây nhiễm để quyết liệt chặn đứng đợt lây lan dịch bệnh hiện nay

TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 15 ngày - bằng một chu kỳ lây nhiễm để quyết liệt chặn đứng

đợt lây lan dịch bệnh hiện nay

Dịch diễn biến phức tạp, mầm bệnh âm thầm trong cộng đồng

Theo quyết định đưa ra ngày 14-6, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thêm 14 ngày, kể từ hôm nay 15-6. Theo cơ quan chuyên môn, việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 này là do mầm bệnh vẫn âm thầm trong cộng đồng ở thành phố, việc gỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội để phát tán và lây lan.

Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không tụ tập 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m trong giao tiếp; dừng các dịch vụ không cần thiết; chỉ các dịch vụ hàng hóa, thiết yếu được mở cửa... Vì thế, việc tiếp tục thực hiễn giãn cách xã hội thêm 15 ngày theo Chỉ thị 15 tại TP.HCM - khoảng thời gian 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, được cho sẽ giúp hạn chế khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Trước đó, từ trung tuần tháng 5-2021, TP.HCM xuất hiện liên tiếp nhiều chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2 sau khi phát hiện 2 chuỗi lây nhiễm gồm chuỗi “Công ty Grove ở quận 3” và chuỗi “Bánh canh O Thanh quận 3” từ ngày 18-5. Tiếp đó, diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM trở nên phức tạp, khó lường hơn kể từ khi phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan tới điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng vào ngày 26-5 và từ đó đến nay đã ghi nhận tổng cộng 470 trường hợp mắc Covid-19 tại 2l/22 quận huyện và TP Thủ Đức.

Nhằm áp dụng biện pháp mạnh, quyết liệt để ngăn dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong cộng đồng, từ 0h ngày 31-5, toàn TP.HCM đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15+, tức là thực hiện đầy đủ Chỉ thị 15 và nâng cao một số biện pháp như không tụ tập quá 5 người nơi công cộng; tăng cường thêm một số biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; người dân (nhất là người trên 60 tuổi) chỉ ra khỏi nhà khi có việc thật sự cần thiết; hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh, trừ trường hợp thật sự cấp bách… Doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn được hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn và các quy định phòng chống dịch bệnh khi hoạt động.

Riêng tâm dịch quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), nơi có nhiều ca nhiễm phức tạp, áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày, cũng từ 0 giờ ngày 31-5. Các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nghiêm ngặt hơn các biện pháp trong Chỉ thị 15 như việc giãn cách thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly gia đình, khu dân phố cách ly khu dân phố, phường cách ly phường…

Trong thời gian giãn cách xã hội 15 ngày qua theo Chỉ thị 15 trên toàn thành phố, riêng quận Gò Vấp theo Chỉ thị 16, TP.HCM đã phát hiện tổng cộng 821 ca nhiễm SARS-CoV-2 tại toàn bộ 22 quận, huyện và TP Thủ Đức trực thuộc thành phố. Trong đó, thành phố đã cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm phức tạp nhất liên quan tới điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, với tổng số 470 ca bệnh đã ghi nhận.

Giãn cách để sớm dập dịch

Dù TP.HCM đã vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ với biện pháp mạnh như giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và theo Chỉ thị 16 với “điểm nóng”, song do dịch diễn biến nhanh (chủng virus lây lan nhanh) với các chùm ca bệnh phức tạp nên vẫn tồn tại nhiều chuỗi lây nhiễm chưa xác định được nguồn. Trong đó, các ca mắc bệnh đã xuất hiện tại toàn bộ 22 quận, huyện và TP Thủ Đức trực thuộc.

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ những ca chỉ điểm đến sàng lọc tại các bệnh viện, qua điều tra truy vết TP.HCM đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch ra cộng đồng và các chuỗi này hiện chưa xác định được nguồn lây. Trong đó, chuỗi lây nhiễm tại Khu dân cư Ehome3, giáp ranh Bình Tân và quận 8, tới sáng 14-6 đã xác định 48 ca mắc sau khi phát hiện ca đầu tiên từ 1 trường hợp đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Quốc tế City ngày 5-6 và 1 trường hợp đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Triều An ngày 7-6; chuỗi lây nhiễm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phát hiện tới 53 trường hợp là nhân viên y tế mắc theo kết quả xét nghiệm từ ngày 11 đến 13-6…

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 14-6 có sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định, trường hợp F1, F2 của các ca bệnh ngày càng nhiều, trong khi ngoài xã hội vẫn còn chưa biết được số người nhiễm âm thầm cho người khác. Bên cạnh đó, có thể còn nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng chưa phát hiện, một số chuối mới phát hiện chưa kịp truy vết, ngày càng nhiều ca nhiễm bất ngờ do một số trường hợp lơ là, mất cảnh giác.

Tình hình trên đã đặt ra thách thức lớn cho TP.HCM, khi vừa phải kiểm soát dịch bệnh vừa phục hồi sản xuất để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép. Do đó, theo nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ và chính quyền TP.HCM, cần thiết phải kéo dài giãn cách xã hội toàn thành phố một thời gian nữa, tương ứng 1 chu kỳ lây nhiễm mới. Tuy nhiên, áp dụng nhiều biện pháp, linh hoạt với giải pháp chặt chẽ, khả thi, những nơi có nguy cơ lây nhiệm cao, tiềm ẩn, không thể kiểm soát được thì có thể áp dụng một số biện pháp cao hơn trong Chỉ thị 16; nơi nào đảm bảo an toàn thì có thể áp dụng Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ...

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu cần tăng cường kiểm soát, kiểm tra mạnh mẽ hơn nữa những nơi triển khai không nghiêm chỉ đạo của thành phố. Ông chỉ rõ “địa chỉ” chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tổ chức ăn nhậu, những nơi tụ tập đông người, không theo Chỉ thị 15, làm lây lan dịch bệnh thì chủ tịch UBND quận - huyện phải chịu trách nhiệm.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu, các quận - huyện cần triển khai các khu cách ly, bảo đảm công suất khi có các ca bệnh mới; đồng thời mở rộng năng lực xét nghiệm. Từ thực tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, ông giao Sở Y tế rà soát lại quy trình phòng chống dịch tại bệnh viện, không để xảy ra trường hợp tương tự. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu, 100% doanh nghiệp phải đảm bảo giãn cách trong sản xuất...

Trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch đối với các ổ dịch đang có dấu hiệu lây lan. Kiểm soát chặt các khu vực phong tỏa và các khu cách ly; Tăng cường kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện và phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung; Triển khai tầm soát đối với các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 không chỉ tại bệnh viện mà còn ở cộng đồng.

TP.HCM đang rất quyết liệt, khẩn trương để hướng tới mục tiêu cơ bản ngăn chặn, kiểm soát đợt lây lan hiện nay trong vòng 15 ngày tới.