Quyết không khoan nhượng

ANTĐ - Trước thời điểm diễn ra phiên tòa xét xử 1 trong 10 “đại án tham nhũng” ở Việt Nam, vụ Vinalines, tới đâu cũng thấy người dân bàn tán xôn xao. Cái mà người dân mong chờ không chỉ là một bản án cụ thể, một phán quyết của tòa, mà là quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, đánh mạnh vào những kẻ đang sống “ký sinh” trên cơ thể đất nước, qua đó củng cố lại lòng tin của nhân dân.

Trong lần tiếp xúc cử tri gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận: lần nào tiếp xúc cử tri cũng nêu vấn đề chống tham nhũng. Điều đó rất dễ hiểu vì hành vi tham nhũng hàng ngày hàng giờ tác động trực tiếp tới cuộc sống của người dân, tới thứ cơ bản nhất là bát cơm manh áo của người dân. Quan tham bòn rút tiền của Nhà nước, nhưng tiền ấy là tiền thuế của dân, do dân đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra. Làm việc cật lực một năm, người nông dân cũng chỉ kiếm được giỏi lắm 40 triệu đồng, nhưng Vũ Quốc Hảo phẩy tay một cái cũng “thổi bay” hơn 500 tỷ đồng, Dương Chí Dũng ký một chữ gây thiệt hại trên 300 tỷ đồng…, bảo sao người dân không bức xúc? Thêm vào đó, tham nhũng, tiêu cực giờ diễn ra hàng ngày hàng giờ một cách trắng trợn ở địa phương, “đập” vào mắt người dân, ai chịu được?  

Thế nên chưa nói về những vụ việc vẫn còn đang chìm khuất trong bóng tối, đối với những vụ đã rõ người, rõ tội, người dân chỉ mong sẽ được thấy pháp luật xử lý đến nơi đến chốn. Bản thân đồng chí Tổng Bí thư cũng đánh giá là dù Đảng và Nhà nước đã quyết tâm cao, đã đẩy lùi một bước tình trạng tham nhũng, nhưng lâu nay công tác xét xử vẫn chưa nghiêm, còn chậm. Khuyết điểm đã được nhìn nhận cụ thể, và điều khiến nhân dân phấn khởi là sau khi nhận khuyết điểm, Đảng và Nhà nước có biện pháp kịp thời khắc phục ngay. Vụ Công ty cho thuê tài chính II với 2 án tử hình mới đây đã chứng minh điều đó. Nó thể hiện thái độ kiên quyết và quan điểm rõ ràng của Đảng và nhà nước ta: đã làm sai thì bất kể là ai cũng phải điều tra đến tận cùng, càng “to” càng phải phạt nặng để làm gương.

 Hậu quả của tham nhũng vô cùng lớn, nhưng để trị tận gốc tham nhũng thì khó vô cùng, điều đó người dân cũng hiểu. Nên đối với tội phạm tham nhũng thì tốt nhất là ngăn ngừa không để nó xảy ra. Hiện công tác phòng ngừa của chúng ta chưa thực sự mạnh nếu không muốn nói là còn yếu. Bởi vậy, một khi đã phát hiện được tham nhũng phải kiên quyết xử lý để răn đe. Phiên tòa xét xử vụ Vinalines vì thế đáp ứng bao nhiêu kỳ vọng: Bảo vệ được sự nghiêm minh của pháp luật, củng cố nhà nước pháp quyền; tỏ rõ thái độ quyết không khoan nhượng của chính quyền với tội phạm tham nhũng, củng cố lòng tin của nhân dân; đồng thời còn thức tỉnh những kẻ vẫn đang nuôi ý đồ phạm tội, thực hiện chức năng giáo dục, ngăn ngừa không để những vụ việc tương tự xảy ra.