2 học sinh giật mũ bạn ở Tiên Lãng, Hải Phòng được miễn hình phạt:

Quyết định mang tính nhân đạo, giáo dục cao

ANTĐ - Ngày 29-9, TAND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng xử sơ thẩm lại vụ án 4 học sinh cướp giật mũ của bạn gái. Đây là vụ án gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua vì mức án quá nghiêm khắc, không phù hợp với đường lối xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội. Phóng viên ANTĐ đã trao đổi với Luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư Hà Nội về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ án này.

4 bị can tại phiên tòa phúc thẩm tháng 7-2014

Giật mũ, bị phạt tù

Theo cáo trạng, sáng 23-9-2013, Vũ Văn Thành (SN 1996) ở thôn Thái Hưng, xã Đông Hưng và Nguyễn Bá Thịnh (SN 1997), trú tại thôn Hợp Hưng, xã Tây Hưng rủ Vũ Thanh Hùng (SN 1996), ở thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng, cùng Vũ Văn Lộc (SN 1996), ở thôn Xuân Trại, xã Bắc Hưng (đều là học sinh THPT ở huyện Tiên Lãng) đi cướp giật mũ, nón của học sinh. Thành điều khiển xe máy BKS:

16N3-9446 chở Thịnh, Hùng, Lộc. Đến địa bàn xã Tiên Thắng, Thành thấy một học sinh đi xe đạp đội mũ vải liền cho xe áp sát, rồi giật mũ đưa cho Lộc. Đi được một đoạn, Thành lại tiếp tục cho xe máy áp sát và giật một chiếc nón lá của em học sinh đang đi xe đạp cùng chiều. Ngày 27-9-2013, 4 đối tượng đến CAH Tiên Lãng đầu thú.

Dù cả 4 bị can đều khai động cơ giật mũ chỉ là để trêu đùa, song tháng 2-2014, TAND huyện Tiên Lãng xét xử sơ thẩm, đã tuyên phạt bị cáo Thành 36 tháng tù, Thịnh 22 tháng tù, Lộc và Hùng mỗi bị cáo 18 tháng tù về tội cướp giật tài sản. Tháng 7-2014, TAND thành phố xét xử phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo Hùng 18 tháng tù giam, bị cáo Thịnh 22 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, bị cáo Lộc 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Nhận thấy mức án quá nặng, tháng 8-2014, TAND Tối cao kháng nghị, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, đã hủy cả 2 bản án về phần quyết định hình phạt đối với các bị cáo; giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Tiên Lãng xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 29-9, TAND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng xử sơ thẩm lại. Do có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên 2 bị cáo là Nguyễn Bá Thịnh và Vũ Văn Lộc đã được miễn hình phạt, 2 bị cáo còn lại là Vũ Văn Thành bị tuyên 15 tháng tù về tội Cướp giật tài sản; Vũ Thanh Hùng bị tuyên 3 tháng 17 ngày (bằng thời gian tạm giam).

Đủ căn cứ kết tội Cướp giật tài sản

Theo Luật sư Võ Đình Hải, khoản 1 Điều 136 - Tội cướp giật tài sản quy định: Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Dùng thủ đoạn nguy hiểm…

Trong tội cướp giật tài sản, khách thể trực tiếp bị xâm hại là những tài sản nhỏ, gọn, dễ mang đi do tính chất của hành vi là nhanh chóng chiếm đoạt tài sản. Khi người phạm tội thực hiện hành vi cướp giật tài sản đã gây ra thiệt hại về quyền sở hữu của tài sản cho chủ tài sản và sự gây thiệt hại này phản ánh đầy đủ bản chất nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Đối với tội cướp giật tài sản, dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác một cách nhanh chóng. Hành vi chiếm đoạt là hành vi dịch chuyển tài sản đang do người khác quản lý thành tài sản của mình một cách bất hợp pháp. Hành vi chiếm đoạt bao gồm sự thống nhất giữa biểu hiện khách quan (là sự chuyển dịch tài sản) với ý thức chủ quan (mong muốn chiếm đoạt tài sản của người khác một cách bất hợp pháp). Theo khoản 8 Điều 3 BLHS 1999, đối với tội cướp giật tài sản, chủ thể của tội phạm trước hết bao gồm những người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm gồm dấu hiệu lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Lỗi của người phạm tội cướp giật tài sản là lỗi cố ý trực tiếp. Khi thực hiện hành vi cướp giật tài sản, người phạm tội biết mình có hành vi công khai, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản của người khác, thấy trước hậu quả nguy hiểm do hành vi của mình gây ra nhưng lại mong muốn hậu quả đó xảy ra, mong muốn thực hiện trọn vẹn quá trình phạm tội. Trong mặt chủ quan của tội cướp giật tài sản, ngoài lỗi là dấu hiệu bắt buộc còn có động cơ và mục đích phạm tội. Động cơ của tội cướp giật tài sản được hiểu là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách cố ý. Mục đích của tội cướp giật tài sản là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội.

Từ những phân tích nêu trên, căn cứ vào hồ sơ và lời khai của các bị cáo tại tòa. Theo Luật sư Hải tội cướp giật là tội cấu thành hình thức, do đó, có đủ căn cứ kết tội các bị cáo phạm tội Cướp giật tài sản mà không cần tính đến yếu tố giá trị tài sản là bao nhiêu. Hành vi của bốn bị cáo là cố ý phạm tội, dù các bị cáo khai nhận động cơ giật mũ chỉ là để trêu đùa. Ngoài ra, việc các bị cáo sử dụng phương tiện là xe máy có thể quy kết là dùng thủ đoạn nguy hiểm vì có thể gây nguy hại cho người đi đường. Tuy nhiên, do có ba trong bốn bị cáo phạm tội khi chưa thành niên, thiếu hiểu biết, không có mục đích vụ lợi nên các bản án được tuyên tháng 2-2014 là quá nghiêm khắc, không phù hợp với đường lối xét xử người chưa thành niên phạm tội. Việc HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, miễn hình phạt cho 2 bị cáo là Nguyễn Bá Thịnh và Vũ Văn Lộc trong phiên tòa ngày 29-9 là hoàn toàn có căn cứ, mang tính nhân đạo, giáo dục trong việc xác định tội danh của các bị cáo.

Đối với hai bị cáo Vũ Văn Thành và Vũ Thanh Hùng, do đang là bị can trong một vụ án khác (vụ án Cố ý gây thương tích do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tiên Lãng khởi tố điều tra) nên không đủ điều kiện được hưởng án treo. Bị cáo Thành phạm tội khi đã trên 18 tuổi. Do vậy, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hùng chịu mức án 3 tháng 17 ngày (bằng với thời gian tạm giam), bị cáo Thành 15 tháng tù giam (hiện đã chấp hành hình phạt được 12 tháng) là đúng với tội danh.