Quyết định gây thất vọng

ANTĐ - Theo đánh giá của đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam, bước sang năm 2013, những vấn đề nổi cộm của Việt Nam vẫn còn nguyên đó. Lạm phát cơ bản vẫn còn cao, tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, lượng hàng tồn kho cao. Vị đại diện Quỹ khuyến nghị, các chính sách kinh tế vĩ mô tiếp tục thắt chặt là hết sức cần thiết để neo giữ kỳ vọng lạm phát và cải thiện lòng tin vào đồng tiền. Chính sách tiền tệ phải tiếp tục tập trung vào kiềm chế lạm phát, còn chính sách tài khóa có thể nới lỏng đôi chút.

Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm trần lãi suất huy động từ 9%/năm xuống còn 8%/năm. Ngay sau động thái này, dư luận đặt câu hỏi, liệu mục tiêu chính là để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dễ dàng và rẻ hơn có đạt được không? Trong khi đó, người dân cũng tính toán đến những cơ hội khác như chuyển sang nắm giữ ngoại tệ hoặc tài sản khác. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia tài chính, việc áp trần lãi suất huy động mà không áp trần lãi suất cho vay thì người dân gửi tiền sẽ bị thiệt, chỉ có ngân hàng là được hưởng lợi. Theo một tiến sĩ tài chính ngân hàng, việc giảm lãi suất lần này tỏ ra khá chậm, dường như chịu áp lực từ xã hội chứ chưa phải là giải pháp để cứu doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp vì không chịu nổi mức lãi vay cao đã đảo nợ để có được mức thấp hơn.

Chính vì vậy, cần sớm áp dụng mức trần lãi suất cho vay để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại là hạ lãi suất đầu vào nếu kéo dài mức lãi suất huy động thấp sẽ khiến người dân chuyển sang găm giữ ngoại tệ thay vì tiền đồng, bởi trên giấy tờ, chênh lệch lãi suất đầu vào giữa VND với USD hiện chỉ còn 6 điểm %/ năm. Còn trên thực tế, lãi suất huy động USD đã bị vượt trần, nên khoảng cách còn thấp hơn rất nhiều và là khoảng cách không an toàn.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là,  từ đầu tháng 12, Chính phủ đã có thông điệp áp trần lãi suất cho vay. Các doanh nghiệp mỏi mắt chờ đợi lãi suất vay sẽ giảm và được áp trần để có cơ may tiếp cận vốn với mức rẻ hơn. Vậy mà, quyết định gần đây của Ngân hàng Nhà nước khiến giới doanh nghiệp thất vọng. Ngân hàng chỉ giảm lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực từ mức 13%/năm xuống còn 12%/năm, còn việc áp trần lãi vay vẫn “bất động”. Rõ ràng, một trong những mục tiêu cơ bản của việc giảm lãi suất là để khơi thông dòng vốn chảy vào sản xuất đã không được thực thi. Ai dám đảm bảo rằng, khi lãi suất đầu vào giảm thì lãi suất cho vay cũng sẽ giảm theo? Lãi suất cho vay còn “ăn theo” trình độ quản trị của từng ngân hàng, rồi mức độ của doanh nghiệp đi vay mà ngân hàng thẩm định. Như vậy, việc giảm lãi suất đầu vào không có nghĩa là lãi suất cho vay sẽ giảm theo, nếu có cũng phải chờ một thời gian khá lâu.

Thay vì giảm và áp trần lãi suất cho vay, một lần nữa Ngân hàng Nhà nước lại hạ lãi suất huy động. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn còn tồn kho khá lớn, lãi suất có giảm nhiều hơn cũng sẽ không đi vay thêm. Tác dụng của việc giảm lãi suất lần này đối với doanh nghiệp không có gì nhiều.