Quyết định đúng đắn, kịp thời và quyết liệt để nhanh chóng khống chế dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội đang trong thời điểm quyết liệt thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là lúc mà chính quyền các cấp cùng người dân phải tận dụng “thời gian vàng” 15 ngày giãn cách để nhanh chóng khống chế dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Lực lượng chức năng tuần tra nhắc nhở người dân Hà Nội thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội

Lực lượng chức năng tuần tra nhắc nhở người dân Hà Nội thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội

Việc làm cần thiết để ngăn chặn hiệu quả Covid-19

Đây là lần thứ hai, Hà Nội thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong nửa tháng qua, thành phố đã có nhiều biện pháp siết chặt hơn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Để “khóa chặt” đường lây nhiễm của dịch Covid-19, từ ngày 14-7, Hà Nội đã triển khai 22 chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, ngõ tắt, đường nhánh, bến thủy nội địa, các bến tàu, bến xe liên tỉnh vào thành phố và tại cụm cảng hàng không miền Bắc. Từ ngày 22-7, thành phố tổ chức cách ly tập trung đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp trên cả nước với biến chủng Delta và Delta+ có khả năng lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn, Hà Nội lại giống như “vùng trũng” về dịch khi nhiều người từ các địa phương có dịch đổ về, số ca mắc Covid-19 của thành phố thời gian gần đây có xu hướng gia tăng. Tính từ ngày 27-4 đến 24-7, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 675 ca mắc Covid-19. Đáng quan tâm là trong số đó, có 257 ca ghi nhận trong cộng đồng, nhiều ca F0 không có dấu hiệu. Nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng là rất cao nếu Hà Nội không nhanh chóng áp dụng những biện pháp mạnh hơn.

Chính vì thế, việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND chính thức triển khai thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày, tính từ 6h ngày 24-7, là quyết định rất kịp thời và đúng đắn. Mặc dù, Hà Nội chưa phải là nơi dịch lây lan mạnh nhất nhưng thành phố chấp nhận những hy sinh, những vấn đề không thuận lợi trong cuộc sống và sản xuất kinh tế để tập trung chống dịch bởi đây là việc làm cần thiết, là đòi hỏi tất yếu để phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả trong bối cảnh hiện nay ở Hà Nội, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng người dân.

Để thực hiện biện pháp quyết liệt này, Hà Nội đã chủ động chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân và phát huy hiệu quả cao. Trên thực tế, Hà Nội đã có kinh nghiệm khi cùng với cả nước áp dụng Chỉ thị số 16 hồi tháng 4-2020. Ngay trước khi thực hiện giãn cách xã hội lần này, thành phố cũng đã áp dụng các biện pháp tiệm cận. Chính nhờ đó, không chỉ cấp ủy, chính quyền thành phố đã có sự chuẩn bị nhằm bảo đảm đời sống nhân dân, mà bản thân người dân cũng đã làm quen và dần thích nghi với Chỉ thị số 16.

Theo quy định nêu trong Chỉ thị số 17/CT-UBND, toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp Hà Nội xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thông báo công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24h/7 đảm bảo kịp thời giải quyết các công việc cấp bách trong mọi tình huống.

Ý thức người dân là vũ khí quyết định chặt đứt dịch bệnh

Hà Nội đang chạy đua với thời gian để nhanh chóng khống chế dịch bệnh, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới. Trong thực hiện Chỉ thị số 16, điều quan trọng là chấp hành nghiêm nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định...

Tuy nhiên, những ngày đầu thực hiện giãn cách, vẫn còn nhiều người chủ quan, lơ là, không ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Một số người chưa tuân thủ quy định ở nhà, không ra ngoài khi không có việc cần thiết, vẫn cố tình vi phạm như không đeo khẩu trang, đi tập thể dục..., buộc các lực lượng chức năng phải xử phạt vi phạm hành chính. Ngày 24-7, Sở Tư pháp Hà Nội đã công bố mức xử phạt đối với 16 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19, trong đó, mức phạt tiền cao nhất là 200 triệu đồng và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù tối đa 20 năm.

Trong thời điểm hiện nay, mỗi người dân Hà Nội phải là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài, chung tay chống dịch. Ý thức và trách nhiệm của mỗi người là vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Việc cần làm với mỗi người dân là ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Về bảo đảm đời sống, người dân có thể an tâm vì thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành kích hoạt đồng bộ, thống nhất, đảm bảo lưu thông, tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố trong các tình huống dịch bệnh. Ngành Công Thương Hà Nội đã phối hợp tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích gấp 3 lần bình thường, nhiều mặt hàng tăng gấp 5 lần. Các chợ dân sinh chấp hành nghiêm quy định của thành phố chỉ bán mặt hàng thiết yếu; nguồn hàng cũng được tiểu thương bảo đảm, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá.

Về chữa trị bệnh nhân mắc Covid-19, Sở Y tế đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn, từ 1.000 giường đến 50.000 giường... chia 4 tầng điều trị. Trong đó, tầng 1 bao gồm 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trên cơ sở thành lập từ các khu cách ly tập trung. Hiện, thành phố có thể kích hoạt ngay Bệnh viện dã chiến tại trường Quân sự Thủ đô và các bệnh viện dã chiến trong khu nhà ở sinh viên tại khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp với quy mô 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà có thể kích hoạt một bệnh viện 700 giường.

Về công tác tiêm phòng Covid-9, tính đến ngày 23-7, Hà Nội đã tiêm được 211.460 mũi, trong đó, có 201.965 người tiêm 1 mũi và 9.443 người tiêm đủ 2 mũi. Kế hoạch của thành phố là phấn đấu cao nhất tiêm từ 100.000-200.000 mũi/ngày. Thành phố đã khởi động 1.000-1.200 dây chuyền tiêm tại các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường để tiêm chủng cho các trường hợp không có yếu tố nguy cơ, không có tiền sử dị ứng, phản vệ, những trường hợp trong tuổi trưởng thành. Đối với những trường hợp có tiền sử phản vệ, có bệnh lý nền, người cao tuổi thì sẽ tiêm ở các bệnh viện, nơi có đủ trang thiết bị phòng hộ để sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp có sốc phản vệ sau tiêm.