Quyết bảo vệ con tôm Việt Nam

(ANTĐ) - Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 11-7 đã ra phán quyết cuối cùng ủng hộ hai trong ba nội dung khiếu kiện cơ bản của Việt Nam trong vụ kiện Mỹ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam mong sẽ được tính thuế hợp lý và đúng thực tế hơn

Phán quyết của Ban hội thẩm của WTO nêu rõ Mỹ áp dụng phương pháp quy về 0 (hay còn gọi là zeroing) để tính thuế chống bán phá giá là vi phạm quy định của WTO. Đây là khiếu kiện trọng tâm của Việt Nam, vì việc sử dụng phương pháp này đã tạo ra biên độ phá giá lớn cho sản phẩm, làm mức thuế bị đội lên, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với hầu hết các nhà xuất khẩu tôm của Việt Nam được ấn định từ 4,13% đến 25,76%.

Ban hội thẩm cũng kết luận việc Mỹ sử dụng những dữ liệu có sẵn để tính thuế suất toàn quốc trong các đợt rà soát lần 2 và lần 3 là trái với quy định của WTO. Tuy nhiên, Ban hội thẩm quyết định việc tiếp tục sử dụng những biện pháp đang bị khiếu kiện, ám chỉ các đợt rà soát lần 4, 5 và rà soát cuối kỳ, không nằm trong phạm vi thảo luận của Ban hội thẩm. Đây là một điểm không có lợi cho Việt Nam, vì như vậy sẽ không thay đổi được kết quả rà soát lần 4, 5 và đặc biệt là rà soát cuối kỳ. Theo quy định của WTO, sau phán quyết này của Ban hội thẩm, hai bên có thời hạn 60 ngày để kháng cáo lên cơ quan phúc thẩm của WTO.

Trước thông tin Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 11-7 ra phán quyết cuối cùng ủng hộ hai trong ba nội dung khiếu kiện cơ bản của Việt Nam trong vụ kiện Mỹ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội các nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trần Thiện Hải cho biết: Vasep đề nghị tiếp tục vụ kiện đến cùng để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam.

Theo Hiệp hội các nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các luật sư tư vấn, nếu Việt Nam thắng kiện sẽ mang lại lợi ích to lớn cho khả năng cạnh tranh của tôm đông lạnh Việt Nam trên thị trường Mỹ do không phải đặt cọc tiền chống bán phá giá, và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ thoát hoàn toàn khỏi thuế chống bán phá giá do 3 lần rà soát liên tục có kết quả 0%.

Vasep mong muốn, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ có được cách tính thuế hợp lý và đúng thực tế. Nếu đạt được đồng thuận, phía người tiêu dùng Mỹ có cơ hội thưởng thức tôm của Việt Nam nhiều hơn. Hơn nữa, doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng có cơ hội cạnh tranh một cách bình đẳng hơn với các doanh nghiệp khác tại thị trường này.