Tăng giá bổ sung 1.348 dịch vụ y tế:

Quyền lợi người bệnh không bị ảnh hưởng nhiều

ANTĐ - Từ ngày 1-8, các bệnh viện của Hà Nội sẽ thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung giá 1.348 dịch vụ y tế. Việc tăng giá viện phí này khiến người bệnh không khỏi lo lắng, nhất là trong bối cảnh Hà Nội vừa tăng giá hơn 800 dịch vụ y tế và giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập trước đó tròn 1 năm.

Giá dịch vụ y tế sẽ giúp các bệnh viện có điều kiện phát triển kỹ thuật mới

Chi phí không bị đội quá cao

Tại kỳ họp đầu tháng 7 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã chính thức thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung giá 1.348 dịch vụ khám chữa bệnh đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập của thành phố. Đây là những kỹ thuật chưa được điều chỉnh giá trong lần điều chỉnh hồi tháng 8-2013, với mức tăng chung là 20% cho tất cả các hạng bệnh viện. Việc Hà Nội quyết định điều chỉnh giá viện phí 2 lần trong 2 năm liên tiếp, khiến người dân lo lắng chi phí khám chữa bệnh sẽ bị đội lên cao. 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu tại một số bệnh viện, việc tăng giá viện phí lần này không ảnh hưởng quá lớn đến người bệnh. Lý do, vì ngoài một số kỹ thuật có mức tăng giá tuyệt đối cao, chẳng hạn như kỹ thuật mài làm cầu răng tăng từ 640.000 đồng lên 800.000 đồng; chọc sinh thiết u vùng mặt tăng từ 360.000 đồng lên 450.000 đồng; dẫn lưu áp xe thực quản tăng từ 1.350.000 đồng lên 1.800.000 đồng… thì đa số các dịch vụ dù mức phần trăm điều chỉnh giá cao nhưng mức giá tuyệt đối không tăng nhiều (do bản thân giá dịch vụ thấp). Chẳng hạn, nhiều dịch vụ tuy mức điều chỉnh giá là 20-25% song mức tăng giá thực tế chỉ từ 5.000-10.000 đồng.

TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chia sẻ, hơn 1.300 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá lần này tuy tăng gần kịch khung nhưng đó là khung giá quy định trong Thông tư 03/2006 chứ không phải khung giá quy định trong Thông tư 04/2012 mà cả nước cũng như chính Hà Nội đã điều chỉnh vào năm ngoái. So với Thông tư 04, giá các dịch vụ quy định trong Thông tư 03 đã quá lạc hậu, quá thấp, dù tăng kịch trần thì cũng chỉ tương đương với mức tăng khoảng 75% so với khung kịch trần của Thông tư 04. Vì thế, dù hơn 1.300 dịch vụ lần này được điều chỉnh tăng giá kịch trần thì thực chất mức tăng không cao và chưa phải là thực thu, thực chi, vẫn chỉ là thu một phần viện phí.

Hơn nữa, trong số hơn 1.300 dịch vụ điều chỉnh tăng giá lần này, đa số là các dịch vụ kỹ thuật cao mà một số bệnh viện chuyên khoa hạng 2 đã thực hiện được trong những năm gần đây nhưng lại không được thu theo mức phí tương đương với bệnh viện hạng 1. “Còn với những bệnh viện hạng 1, số dịch vụ được điều chỉnh tăng giá không nhiều. Chẳng hạn với Bệnh viện Ung bướu Hà Nội lần này chỉ có 2 dịch vụ kỹ thuật được điều chỉnh tăng giá là nội soi và xạ trị liều cao” – TS Trần Đăng Khoa dẫn chứng.

Chất lượng điều trị sẽ tăng?

Một câu hỏi luôn được đặt ra khi giá viện phí điều chỉnh, đó là viện phí tăng thì chất lượng khám chữa bệnh, điều trị có tăng tương xứng và quyền lợi của người bệnh có được nâng lên. Trao đổi với lãnh đạo nhiều bệnh viện công của Hà Nội, chúng tôi nhận được câu trả lời thẳng thắng rằng chất lượng điều trị khó tăng ngay nhưng chắc chắn viện phí tăng là cơ hội, cơ sở để các bệnh viện từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đặc biệt, với những người bệnh có bảo hiểm y tế thì khi điều chỉnh giá viện phí lần này, quyền lợi mà họ được thụ hưởng chắc chắn sẽ tăng theo.

Bác sĩ Đỗ Quang Thuần, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long chia sẻ, thời gian qua, tất cả các bệnh viện của trung ương, bộ ngành nằm trên địa bàn thành phố đều đã được phê duyệt mức thu của các dịch vụ ở mức 90-100% theo quy định của Thông tư 03, nhưng các bệnh viện của Hà Nội chỉ được thu ở mức 65-80%. Với riêng tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, thời gian gần đây đã triển khai được nhiều kỹ thuật hạng 1, thậm chí nhiều dịch vụ kỹ thuật cao mà một số bệnh viện trung ương cũng chưa thực hiện được, thế nhưng lại không được thu phí theo giá viện phí mới, khiến bệnh viện rất khó khăn. Lần này, khi viện phí được điều chỉnh, bệnh viện sẽ có điều kiện thuận lợi để tiếp tục đầu tư phát triển các kỹ thuật mới mà bệnh viện đã ấp ủ và bước đầu triển khai như: máy định danh vi khuẩn và kháng sinh đồ, xét nghiệm men tim, nội soi can thiệp…

TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khẳng định thêm, muốn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngoài trình độ y bác sĩ cần thêm nhiều yếu tố như ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại… Nếu chỉ trông vào ngân sách thì các bệnh viện không thể có được những yếu tố này một cách đầy đủ. Do vậy, tăng viện phí sẽ giúp các bệnh viện công đỡ khó khăn hơn và có điều kiện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.