Quyền lợi của người bị tạm giam, tạm giữ được đảm bảo tốt hơn

ANTĐ -Cho ý kiến vào dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, sáng nay 17-8, nhiều đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Luật này đã được đổi mới hơn một bước theo hướng nhân văn hơn, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bị tạm giam, tạm giữ.

Cụ thể, Điều 9 dự thảo Luật quy định rõ, người bị tạm giữ, tạm giam vẫn được đảm bảo các quyền cơ bản như: Được bảo đảm tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ khi bị tạm giữ, tạm giam; Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định; Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, tư trang, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo và tài liệu theo quy định…

Hơn nữa, dự thảo Luật cũng đã quy định khác nhau giữa quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam với người chấp hành án phạt tù.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp sáng nay 17-8

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, quy định về quyền của người bị tạm giữ, tạm giam trong dự thảo Luật lần này đã được biên soạn theo hướng rất tích cực, nhân văn. Đại biểu này đề nghị quan tâm, bổ sung thêm về quyền lợi đối với một số đối tượng bị tạm giữ, tạm giam đặc thù như người cao tuổi, người khuyết tật…

ĐB Ksor Phước, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội, cũng đề nghị trong dự thảo luật cần quy định rõ người bị tạm giữ, tạm giam có những quyền gì, quyền ở mức độ nào, bởi theo tinh thần Hiến pháp thì người chưa có tội vẫn là công dân.

Song theo lý giải của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trước đó, việc liệt kê tất cả các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng hoặc bị hạn chế đã được quy định trong các luật vào dự thảo Luật này là không khả thi, dẫn đến trùng lắp, chồng chéo và cũng không bảo đảm tính linh hoạt khi phải sửa đổi, bổ sung.

Do vậy, dự án Luật được chỉnh lý theo hướng quy định một số quyền, nghĩa vụ cơ bản nhất trực tiếp liên quan đến người bị tạm giữ, tạm giam, còn một số quyền khác được thực hiện như thế nào sẽ do các đạo luật chuyên ngành đang quy định điều chỉnh.

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu quan tâm là phân loại để thực hiện tạm giam, tạm giữ với từng đối tượng ra sao, nhất là những đối tượng rất phức tạp như người đồng tính, người chuyển giới, người mắc bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm... thì tạm giữ, tạm giam chung hay riêng?

Theo các đại biểu, cần quy định cơ chế linh hoạt cho phép Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và cơ quan điều tra phân loại để thực hiện phù hợp trong trường hợp cụ thể, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.