NHNN mua lại Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng:

Quyền lợi của khách hàng được đảm bảo

ANTĐ - Đó là khẳng định từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sau khi đưa ra quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá 0 đồng/1 cổ phần.

Quyền lợi của khách hàng được đảm bảo ảnh 1NHNN sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ của VNCB

NHNN sở hữu 100% vốn điều lệ 

Đại diện NHNN cho biết, ngày 31-1-2015, Đại hội đồng cổ đông bất thường VNCB đã được tổ chức tại Hội trường Thống nhất – UBND tỉnh Long An để thông báo công khai kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực và vốn điều lệ của ngân hàng đồng thời thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Đại hội đồng cổ đông đã quyết nghị, không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định.

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng, Quyết định số 48/2013/QĐ-NHNN ngày 1-8-2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNCB, NHNN đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá 0 đồng/1 cổ phần. Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB.

Với việc NHNN nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) tham gia quản trị, điều hành, VNCB sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Đồng thời, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Tại sao lại là mức giá 0 đồng?

Theo các chuyên gia, việc NHNN mua lại VNCB là một bước đi nhằm ổn định thị trường. TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia lĩnh vực ngân hàng cho rằng, trong quá trình hoạt động kinh doanh của VNCB, vốn của ngân hàng đã mất hết, các khoản lợi nhuận bị âm, nợ xấu cao hơn vốn điều lệ. Do đó, việc NHNN mua lại với mức giá 0 đồng/cổ phần về bản chất là quốc hữu hóa đối với VNCB nhằm tránh những đổ vỡ. Quyền lợi với khách hàng của ngân hàng được bảo đảm nhưng các cổ đông tham gia góp vốn sẽ không còn quyền lợi bởi hoạt động kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Đây là điều bình thường mà các cổ đông phải chấp nhận khi bỏ vốn kinh doanh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc NHNN mua lại VNCB có thể hiểu là phương án tối ưu để NHNN thể hiện trách nhiệm của mình với người gửi tiền. Mặt khác, hoạt động ngân hàng đặc thù hơn các lĩnh vực khác vì nó là một hệ thống, do đó, giả sử nếu cho phép phá sản một trường hợp nào đó, sẽ gây ra phản ứng dây chuyền trong hệ thống. “Đây cũng là cách mà các nước trong khu vực đã thực hiện trong thời gian vừa qua khi hệ thống ngân hàng gặp khó khăn”, TS. Cấn Văn Lực phân tích. 

Trước đó, chia sẻ về định hướng của NHNN về sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng trong năm 2015, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết: “NHNN tạo điều kiện thuận lợi và ủng hộ hoạt động sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với lợi ích, chiến lược kinh doanh của từng tổ chức và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, góp phần lành mạnh hóa thị trường tiền tệ - ngân hàng, thực hiện thành công Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu và lộ trình đề ra”. 

Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng chỉ rõ, hiện nay, NHNN đang hướng dẫn thủ tục triển khai mua lại, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng. NHNN sẽ xử lý tiếp một bước cơ bản tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số tổ chức tín dụng có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh cao. Một số đơn vị yếu kém có thể sẽ được NHNN xem xét, áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc thông qua mua cổ phần và tiến hành sáp nhập vào tổ chức tín dụng khác..