Quyền giao dịch dân sự của bị can, bị cáo vẫn được bảo đảm

ANTĐ - Có thể nói Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi về quy định “Người đại diện theo ủy quyền” đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng xã hội. 

Theo đó, tại Điều 142 (Người đại diện theo ủy quyền) của BLDS sửa đổi xác định: Người đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc bị giam giữ có thể ủy quyền cho người khác để đại diện mình thực hiện các giao dịch dân sự (hành vi pháp lý) mà pháp luật không cấm. Chính phủ quy định chi tiết về quy trình thực hiện ủy quyền đối với người đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc bị giam giữ. Với nội dung sửa đổi, bổ sung này có thể thấy đã gỡ bỏ được “nút thắt” rất quan trọng, rất có ý nghĩa đối với những người đang bị áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam hoặc giam giữ do có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. 

Vì chiểu theo quy định về “Người đại diện theo ủy quyền” của pháp luật dân sự hiện hành và thực tiễn cuộc sống cho thấy, có rất nhiều người đang thực hiện hoặc có nhu cầu thực hiện các giao dịch dân sự ngoài xã hội, nhưng do có hành vi vi phạm pháp luật hình sự nên bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc bị giam giữ theo quyết định của bản án dẫn đến các giao dịch dân sự mà người đó đang hoặc dự định thực hiện bị đình trệ, gây thiệt hại cho chính người đó và những người khác có liên quan. 

Để có thể tiếp tục thực hiện giao dịch dân sự của mình, cách duy nhất là người bị giam giữ phải ủy quyền cho người khác thay mặt mình làm việc. Sau khi được ủy quyền, người nhận ủy quyền có thể thực hiện tất cả các công việc như là người ủy quyền thực hiện. Tuy nhiên, với quy định hiện hành của pháp luật thì điều này là rất khó, thậm chí không thể thực hiện bởi người nhận ủy quyền và công chứng viên (người bắt buộc phải có mặt chứng kiến khi việc ủy quyền diễn ra) không thể tự do ra vào khu vực giam giữ gặp người bị giam giữ. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 22 - Nghị định 89/1998/NĐ-CP ngày 7 tháng 11 năm 1998 ban hành quy chế về tạm giữ, tạm giam quy định: “Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định”.

Như vậy theo quy định thì ngoài thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác của người bị tạm giữ, tạm giam, không ai khác được phép vào gặp họ. Điều đó đồng nghĩa với việc ngay cả công chứng viên cũng không được phép tiếp xúc với người bị tạm giam, tạm giữ. Đây thực sự là một vướng mắc rất lớn và chưa được giải quyết. Với nội dung được bổ sung tại Dự thảo BLDS sửa đổi như nêu trên, trong trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam hoặc bị giam giữ muốn ủy quyền cho người khác đại diện, thay mặt mình thực hiện công việc thì cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép người nhận ủy quyền và công chứng viên được vào gặp người bị tạm giữ, tạm giam dưới sự giám sát của cán bộ nơi giam giữ. Người nhận ủy quyền, công chứng viên phải cam kết chỉ làm việc về nội dung ủy quyền. Sau khi các bên ký tên vào văn bản ủy quyền, người đứng đầu nơi giam giữ đóng dấu xác nhận nhân thân của người ủy quyền vào văn bản ủy quyền, còn công chứng viên thực hiện nhiệm vụ của mình theo luật định.