Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên án hành động bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Báo The Philippine Star ngày 7-12 đã đăng tải bài viết của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller lên án các hoạt động cưỡng ép và gây mất ổn định của Trung Quốc ở Biển Đông.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller

“Tuần này, trong chuyến công du đầu tiên đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tư cách Quyền Bộ trưởng Quốc phòng, tôi mong muốn khẳng định lại cam kết của Mỹ duy trì một khu vực Ấn Độ Dương tự do và rộng mở. Trong 4 năm qua, ngày càng nhiều đồng minh và đối tác tham gia cùng Mỹ bảo vệ các nguyên tắc được đưa ra trong Chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Trump - đó là tôn trọng chủ quyền, thương mại công bằng, có đi có lại và pháp quyền - mạnh mẽ lên án các hoạt động cưỡng chế và gây mất ổn định của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông” - ông Christopher Miller nhấn mạnh.

Trên thực tế, vào tháng 6 vừa qua, khi tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong một tuyên bố mạnh mẽ nhất, tất cả 10 quốc gia ASEAN đã lên tiếng khẳng định rằng các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông phải được giải quyết theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa và kiềm chế trước các hoạt động có thể làm leo thang căng thẳng. Tuyên bố tháng 6-2020 của ASEAN bác bỏ các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả cái gọi là “Đường chín đoạn”, không có cơ sở về luật pháp hay lịch sử.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, kể từ tháng 1-2020, trong khi các nước trên thế giới phải đương đầu với đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã lợi dụng cuộc khủng hoảng này để thông qua một loạt các bước đi khiêu khích ở Biển Đông. Bắc Kinh đã sử dụng lực lượng hải quân, hải cảnh và lực lượng dân quân biển để khẳng định các yêu sách hàng hải quá đáng và trái pháp luật cũng như bắt nạt các nước láng giềng.

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật trên lãnh thổ và vùng biển tranh chấp, quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí hợp tác lâu nay của Malaysia và Việt Nam, đưa đội tàu cá được hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á đồng thời và tiếp tục quân sự hóa các “đảo” nhân tạo, vi phạm các cam kết của chính nước này với ASEAN.

Thông qua các hành động thâm hiểm này, Trung Quốc đã tìm cách đe dọa các quốc gia ASEAN không được tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào cũng như các ngư trường lâu đời của hàng triệu người dân trong khu vực vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang khiến khu vực gặp căng thẳng kinh tế chưa từng có. Chính sách của Trung Quốc đó là: Phớt lờ các cam kết và luật pháp quốc tế khi chúng gây bất lợi cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Christopher Miller khẳng định, “bất chấp những thách thức này, Mỹ luôn đứng về phía các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ một trật tự tự do và rộng mở. Để thúc đẩy tầm nhìn chung của chúng ta, chúng ta phải cùng nhau xây dựng một khu vực được kết nối nhiều hơn nữa để giải quyết các thách thức an ninh chung và chống lại sự cưỡng ép và đe dọa”.

Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng, xây thành đảo nhân tạo phi pháp

Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng, xây thành đảo nhân tạo phi pháp

Hồi tháng 7 vừa qua, Mỹ đã khẳng định rõ ràng rằng, các quyền lợi trên Biển Đông phải dựa trên luật pháp, bao gồm phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài - phán quyết cuối cùng và ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc và Philippines. Nhất quán với phán quyết đó, Mỹ bác bỏ tất cả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. “Chúng tôi cũng bác bỏ tất cả các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp với các nước Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia bởi những yêu sách đó không nhất quán với các hiệp ước mà Bắc Kinh đã ký kết. Các tuyên bố của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu khắp khu vực Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật, và Bắc Kinh đã sử dụng chiến dịch bắt nạt để kiểm soát chúng” - Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller khẳng định.

Mỹ khẳng định tiếp tục duy trì và ổn định sự hiện diện quân sự trong khu vực. Ngay cả trong thời gian xảy ra đại dịch, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn duy trì các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải, các cuộc tuần tra hải quân và không quân thường xuyên và các cuộc tập trận và các hoạt động kết hợp với các đồng minh và đối tác.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Miller dự kiến tuần này có chuyến thăm tới Indonesia, Philippines và tổng hành dinh của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở Honolulu thuộc bang Hawaii. “Trong chuyến công du tuần này, tôi sẽ gặp các nhà lãnh đạo khu vực, xem xét các nỗ lực của Mỹ trong việc thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tham dự các cuộc họp không chính thức về Quốc phòng ASEAN-Mỹ và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ASEAN+). Trong những cam kết này, tôi sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì một trật tự dựa trên quy tắc, tự do và cởi mở” - ông Christopher Miller cho biết.