Quy trình chọn đội tuyển Olympic quốc tế: Nghi ngờ về tính minh bạch

ANTĐ - Được lựa chọn vào đội tuyển Olympic quốc tế là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của một học sinh mà còn với cả gia đình, nhà trường và địa phương. Chính vì vậy, việc chọn lựa đội tuyển Olympic quốc tế cần đảm bảo tính minh bạch, chuẩn xác. 

Quy trình chọn đội tuyển Olympic quốc tế: Nghi ngờ về tính minh bạch ảnh 1
Đội tuyển Olympic Tin học châu Á 2013 vừa được thưởng nóng ngay khi về nước 27-5-2013
(Ảnh minh họa)


Thắc mắc từ đề thi đến công đoạn lựa chọn

Là phụ huynh em Nguyễn Huy Tùng, học sinh trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng, ông Nguyễn Huy Hùng phản ánh về việc thay đổi đột ngột việc sắp xếp các buổi kiểm tra tuyển chọn đầu vào cũng như nghi ngờ về đề thi không đảm bảo yêu cầu chất lượng. “Ngày 18-5, các thí sinh làm bài kiểm tra đầu tiên và ngay sau khi kiểm tra, Tùng kể lại một số bạn rất hớn hở vì “trúng tủ”, các em này đã được luyện 4 - 5 lần. Qua tìm hiểu thì tôi được biết đây là đề thi Olympic tại Bulgaria năm 1997. Sở dĩ Tùng chưa được luyện vì em mới học lớp 11” - ông Nguyễn Huy Hùng cho hay. Phụ huynh này cho rằng, việc ra đề kiểm tra như vậy là không công bằng và sai quy chế vì trong quy chế ghi rõ, đề thi chưa được làm ở bất kỳ đâu.

“Trường ĐH Sư phạm thông báo là sẽ tổ chức 2 buổi kiểm tra vào các ngày thứ năm trong 2 tuần tới nhưng họ đột ngột thay đổi cho thi luôn vào thứ bảy” - phụ huynh này phản ánh. Bức xúc về quy trình tuyển chọn đội tuyển, ông Nguyễn Huy Hùng đã gửi đơn kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại quy trình ra đề thi kiểm tra chọn đội tuyển Olympic Toán quốc tế cũng như tổ chức kiểm tra lại một cách công bằng, khách quan và trung thực. Mặc dù chưa nhận được trả lời của Bộ GD-ĐT nhưng ngày 6-6, trường ĐH Sư phạm Hà Nội thông báo danh sách 6 thí sinh được vào đội tuyển mà không công bố kết quả các bài kiểm tra cho thí sinh được biết.

Không chỉ đội tuyển Olympic Toán gây thắc mắc mà với đội tuyển Olympic Vật lý, nhiều phụ huynh cũng phản ánh việc lựa chọn không theo quy chuẩn. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình (Thạch Thành, Thanh Hóa), phụ huynh một thí sinh vừa bị loại khỏi đội tuyển Olympic Vật lý cho hay vừa có đơn kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khi không biết vì lý do gì trong khi các đội tuyển khác đều lấy số dư mà đội tuyển Vật lý lại không làm theo cách này. Theo quy chế hiện hành, việc tuyển chọn học sinh vào các đội tuyển Olympic được tuân thủ theo các bước: sau khi hoàn tất việc chấm điểm bài thi các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, xếp thứ tự số phách theo điểm thi từ cao xuống thấp để xét chọn thí sinh tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế, đảm bảo số thí sinh được tuyển chọn không vượt quá 1,5 lần số thí sinh của đội tuyển mỗi môn thi. Trong đợt tuyển chọn các đội tuyển Olympic năm 2013 này, đội tuyển Toán, Hoá, Sinh đều chọn số dư theo quy định của Bộ là 1,5 lần để sau đó lấy 5 em vào đội tuyển đi thi quốc tế thì trường ĐH Sư phạm lại chỉ chọn đúng 5 thí sinh cho đội tuyển Olympic Vật lý mà không có số dư. 

Thay đổi vì nguyên nhân khách quan…

Trước các thắc mắc của phụ huynh, học sinh tham gia việc tuyển chọn đội tuyển Olympic quốc tế, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT Trần Văn Kiên cho biết, về việc lựa chọn đội tuyển Olympic Vật lý, theo Khoản 1 Điều 34 Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia hiện hành quy định thì sau khi hoàn tất việc chấm điểm bài thi các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, xếp thứ tự số phách theo điểm thi từ cao xuống thấp để xét chọn thí sinh tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế, đảm bảo số thí sinh được tuyển chọn không vượt quá 1,5 lần số học sinh của đội tuyển mỗi môn thi.

Trong kỳ thi chọn các đội tuyển Olympic năm 2013 các môn Toán học, Hóa học, Sinh học và Tin học đã chọn được số học sinh tham dự tập huấn gấp 1,5 lần số học sinh của mỗi đội tuyển dự thi quốc tế. Tuy nhiên, riêng môn Vật lý do nước chủ nhà Đan Mạch ấn định thời gian đăng ký danh sách đội tuyển cuối cùng là ngày 20-5-2013, do đó, Bộ GD-ĐT cần quyết định đội tuyển chính thức trước khi tập huấn trong nước, nên không thể thực hiện việc chọn 1,5 lần số học sinh để tập huấn, kiểm tra như các môn khác. Ngày 13-5-2013, Bộ GD-ĐT ra Quyết định chọn 5 học sinh theo thứ tự điểm thi từ cao xuống thấp trong kỳ thi chọn các đội tuyển Olympic năm 2013 để thành lập đội tuyển Olympic Vật lý năm 2013. “Việc này không trái với quy định của Quy chế thi hiện hành” - ông Trần Văn Kiên khẳng định.

Còn về lịch kiểm tra tuyển chọn đội tuyển Olympic Toán, theo kế hoạch ban đầu, trường ĐH Sư phạm Hà Nội ấn định kiểm tra vào các ngày 18-5, 23-5 và 30-5. Tuy nhiên, nếu tổ chức vào ngày 30-5 thì việc chấm thi, xét chọn và báo cáo kết quả về Bộ trong những ngày đầu tháng 6 sẽ quá gấp. Hơn nữa, do lịch thi đột xuất, tối 25-5, phó ban ra đề kiểm tra phải đi công tác nước ngoài. Vì những lý do trên, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã quyết định thay đổi lịch kiểm tra: kiểm tra bài cuối cùng vào ngày 25-5 thay vì ngày 30-5. Việc thay đổi lịch này đã được thông báo cho tất cả các học sinh tập huấn. Không có chuyện đột ngột thay đổi lịch kiểm tra nên tại buổi kiểm tra ngày 25-5 đủ 100% học sinh tham dự.

Cũng theo trả lời của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, quá trình tập huấn diễn ra nghiêm túc, đảm bảo công bằng đối với tất cả học sinh, không có học sinh nào được luyện tập riêng rẽ. Sau khi xem lại các đề kiểm tra thấy rằng đề kiểm tra lần thứ nhất có câu hỏi trùng lặp về ý tưởng với đề thi Olympic tại Bulgaria 1997 là không vi phạm quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia hiện hành. Ông Trần Văn Kiên cũng khẳng định, riêng trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, vì có học sinh trong đội dự tuyển nên cán bộ của trường không tham gia các khâu này. Kết quả chấm bài kiểm tra của các học sinh có điểm phân hóa rất khác nhau, cao nhất là 55,5 điểm và thấp nhất là 19,5 điểm. Do đó, ý kiến cho rằng đề thi kém chất lượng là không có cơ sở.