Quy trách nhiệm người đứng đầu cơ sở nếu để xảy ra cháy

ANTD.VN - “Cần xác định nhiệm vụ phòng cháy là công tác trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài để giảm thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra. Để làm tốt nhiệm vụ quan trọng này, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phân cấp cụ thể, rõ ràng, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ sở, chỉ huy Công an phụ trách địa bàn”- đó là yêu cầu của Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, nhằm chủ động thực hiện kế hoạch phòng ngừa cháy, nổ mùa hanh khô.

Nhận định quy luật cháy nổ mùa hanh khô thường có diễn biến phức tạp, ngay khi bước vào những ngày đầu tháng 11-2019, Đại tá Trần Ngọc Dương đã chỉ đạo các lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội chủ động các biện pháp, lấy nhiệm vụ phòng ngừa là số 1, chữa cháy hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Chỉ rõ nguyên nhân tồn tại

“Tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức phòng cháy của người dân và từng cơ quan, đơn vị ngay từ cơ sở là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa hỏa hoạn. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý, đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm, chưa đủ điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn là mấu chốt để giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra”- Đại tá Trần Ngọc Dương cho biết.

Người dân tham gia diễn tập chữa cháy, thoát nạn tại địa bàn phường Quán Thánh, quận Ba Đình

Trước nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy đặt ra tại địa bàn phố cổ và rút kinh nghiệm từ vụ cháy xảy ra tại khách sạn A25, phố Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào giữa tháng 6-2019, làm hàng chục người bị mắc kẹt được cứu thoát nạn, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy quận Hoàn Kiếm đã rà soát và triển khai phát bình chữa cháy đến khu dân cư, đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người dân phố cổ kỹ năng chữa cháy, thoát nạn.

Bắt đầu từ đầu tháng 11-2019 đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy - Công an quận Hoàn Kiếm đã chủ động phối hợp với Công an và UBND một số phường trọng điểm trên địa bàn quận tiến hành lắp đặt các thiết bị chữa cháy gồm: bình bột và tiêu lệnh chữa cháy tại các ngõ, ngách sâu trên địa bàn phố cổ. “Việc lắp đặt các thiết bị chữa cháy công cộng rất hữu ích cho người dân, khi xảy ra sự cố, mọi người đều có thể sử dụng các thiết bị này và nhanh chóng khắc phục sự cố ngay từ ban đầu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” - Đại úy Lê Văn Thinh, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Ba Đình tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy và thoát nạn tại khu dân cư ở phường Quán Thánh, quận Ba Đình

Theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã xảy ra 504 vụ cháy làm chết 16 người, 30 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính hơn 203 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ cháy giảm 234 vụ, thiệt hại về tài sản giảm khoảng 149 tỷ đồng.

Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do chập điện chiếm tỷ lệ 60%, tổng số vụ cháy còn lại do chủ quan khi hàn cắt, sử dụng nguồn nhiệt, sự cố kỹ thuật máy móc và thắp hương, đốt vàng mã, rò rỉ khí gas...

Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, các vụ cháy, nổ có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi và ở tất cả loại hình cơ sở như kho, xưởng, chợ, chung cư, nhà tập thể, nhà ống… Thời điểm cuối năm, nhất là mùa hanh khô do sự chủ quan của người dân tập kết hàng hóa phục vụ dịp Tết, cộng với sự bận rộn nhiều công việc nên nguy cơ xảy cháy cao. Vì thế, nhiệm vụ lúc này đối với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cần rất chủ động, tập trung rà soát, tăng cường kiểm tra các cơ sở để khuyến nghị, khắc phục tồn tại về phòng cháy, chữa cháy.

Phát huy công tác phòng cháy ngay từ cơ sở

Nếu lực lượng chữa cháy cơ sở, người dân nêu cao tinh thần phòng cháy, sẽ hạn chế tối đa thiệt hại do cháy và các vụ cháy lớn, cháy lan. Từ thực tế các vụ cháy xảy ra trong thời gian qua, một số chuyên gia phòng cháy, chữa cháy đánh giá hiện chưa có nhiều mô hình, phương pháp phòng cháy, chữa cháy hiệu quả. Trước yêu cầu nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy đặt ra, Đại tá Trần Ngọc Dương đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội cần có giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế theo từng lĩnh vực, địa bàn; chú trọng nâng cao chất lượng của lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, nhằm xây dựng các địa bàn an toàn, không xảy ra sự cố cháy nổ.

Lực lượng chữa cháy cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, xử lý hiệu quả cháy, nổ

Trao đổi với PV, Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội chia sẻ: Đơn vị đã chủ động các biện pháp phòng ngừa và nhiệm vụ quan trọng là nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở; phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; hướng dẫn, chỉ đạo các lực lượng cơ sở chủ động, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trách nhiệm phòng cháy hơn bao giờ hết là nhiệm vụ chung của toàn dân. Mỗi cơ sở, đơn vị khu dân cư phải là lực lượng chữa cháy hiệu quả, phòng cháy an toàn. "Thời gian qua, đã có nhiều đơn vị, cơ sở chủ động thực hiện biện pháp tuyên truyền phòng chống cháy nổ với nhiều biện pháp đổi mới, sát thực tiễn địa bàn, khu dân cư. Điển hình, lực lượng chức năng quận Ba Đình đã chủ động phối hợp với Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn trên địa bàn dân cư thuộc 14 phường. Qua đó nâng cao ý thức, kỹ năng cho lực lượng cơ sở, người dân chủ động, biết cách ứng phó khi có cháy xảy ra" - Thượng tá Phạm Trung Hiếu cho biết.

Lực lượng Cảnh sát  Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quậnTây Hồ diễn tập phòng cháy, cứu nạn tại chung cư CT2A-B phường Xuân La

Cũng theo chỉ huy Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội, chỉ khi công tác phòng cháy, chữa cháy được chính các chủ cơ sở, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và người dân quan tâm phòng ngừa thì nguy cơ cháy, nổ mới giảm.