Quy tắc "vàng" bảo quản thực phẩm được lâu

ANTD.VN - Một trong những quy tắc bảo quản thực phẩm là thực phẩm cất trong tủ lạnh chỉ nên kín khoảng ba phần tư tủ để không khí lạnh lưu thông không bị cản trở và ngăn túi nhiệt hình thành.

Những thức ăn có hạn sử dụng hết trước nên được bỏ ra phía cửa tủ, để bạn không bị quên và lỡ mất hạn sử dụng, gây lãng phí thực phẩm. Việc phân loại thức ăn theo thời gian cũng giúp bạn không cất thực phẩm nào đó quá lâu, làm mất hương vị và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

Quy tắc "vàng" bảo quản thực phẩm được lâu ảnh 1Thời hạn của thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh và tủ đông còn phụ thuộc vào mỗi loại thức ăn và điều kiện bảo quản chúng

Bảo quản thực phẩm tươi sống

Để bảo quản rau được lâu thì cần sơ chế trước. Bỏ lá sâu, lá giập, cắt bỏ phần rễ rồi rửa sạch rau cho vào túi, buộc kín rồi xếp vào ngăn tủ mát. 

Với các loại trái cây cần cắt bỏ cuống, loại bỏ những quả hỏng, rửa sạch, để ráo và phân thành từng loại riêng, cho mỗi loại vào một túi nilon bảo quản thực phẩm và để trong ngăn mát tủ lạnh. Tuyệt đối không để vào ngăn đá hay ngăn mát trên cùng bởi nhiệt độ quá lạnh sẽ làm trái cây hỏng nhanh. Củ, quả chỉ gọt vỏ trước khi chế biến hoặc trước khi ăn. Đối với những trái cây đã sử dụng một phần, nên dùng màng bọc thực phẩm bọc lại kín rồi bảo quản ở ngăn mát.

Với thịt, cá tươi sống nên rửa sạch trước, để ráo nước và chia nhỏ thành từng bữa rồi cho vào các hộp riêng trước khi đưa vào ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Khi cần chế biến món ăn nào thì lấy ra rã đông và sử dụng ngay. Thịt để trong ngăn đá của tủ lạnh nên được sử dụng trong vòng 1 tuần, thịt để trong ngăn lạnh thì chỉ nên 2 ngày. Không đặt hộp đựng thịt chín gần với những phần thịt sống để ngăn ngừa sự lây nhiễm vi khuẩn.

Bảo quản thực phẩm đã chế biến

Bảo quản thực phẩm chín trong tủ lạnh chỉ từ 1- 2 ngày để giữ được mùi vị và chất lượng tốt nhất. Thịt chín nếu muốn bảo quản trong tủ lạnh cũng không nên để quá lâu, chỉ nên lưu cho bữa sau, lâu nhất chỉ nên từ 5-6 tiếng. Giò chả, nem chua khi bảo quản trong tủ lạnh cần lột hết lớp vỏ gói bên ngoài. Chỉ nên dùng giò chả, nem chua trong vòng 2 ngày, nếu chưa ăn kịp, nên luộc lại.

Lưu ý khi bảo quản thực phẩm làm từ tinh bột là cho các loại bánh mì, bánh ngọt hay bánh kem,… vào những bao nhỏ hoặc các hộp đựng, để không làm bánh bị khô và cứng đi. Với bánh mì có thể để ở bên ngoài ở nhiệt độ phòng. Lý do là nhiệt độ làm mát của tủ lạnh làm cho quá trình mất nước xảy ra nhanh hơn.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra lời khuyên, những món canh chỉ để tủ lạnh trong khoảng 24 giờ. Các món kho, mặn không nên để quá 3 ngày và bảo quản ở vị trí lạnh nhất trong tủ lạnh. Để tránh thực phẩm để quá lâu và lẫn lộn, nên ghi chú ngày tháng trên nắp hộp. Không nên để thức ăn đã qua chế biến quá 2 giờ dưới nhiệt độ bình thường. Tốt nhất nên nấu sôi, để nguội và cất vào tủ lạnh ngay sau khi vừa sử dụng xong. 

Hạn sử dụng của thực phẩm trong bao lâu?

Nếu gia đình không có tủ lạnh hoặc trong những ngày mất điện, có thể bảo quản phần thức ăn thừa trong thùng đá hoặc cho phần thức ăn thừa vào hộp đựng thực phẩm và đặt đá xung quanh hộp. Cho vào tủ lạnh ngay khi có điều kiện. Tuyệt đối không sử dụng những thức ăn đã có mùi ôi thiu hoặc màu sắc thay đổi bất thường.

Các bác sĩ dinh dưỡng đưa ra lời khuyên, khi để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh thì một số enzyme trong thực phẩm sẽ tự phân hủy và chuyển hóa, làm cho thực phẩm ít nhiều mất đi một số chất dinh dưỡng, chất béo hòa tan… Do vậy, thời gian bảo quản tối đa trong ngăn đá đối với thịt bò, cừu, dê là từ 7-10 ngày; thịt lợn, gà, vịt khoảng 7 ngày. Riêng với cá, nên sử dụng trong vòng 3 ngày từ khi cất giữ trong ngăn đá để cá được tươi ngon hơn. 

Một trong những nguyên tắc vàng được các chuyên gia khuyến cáo là nên che đậy cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín, không để lẫn lộn thực phẩm sống và thực phẩm chín. Mọi thức ăn trong tủ lạnh hay tủ đông cần được bọc kín hoặc tốt hơn nữa là để trong những hộp đựng thức ăn có nắp đậy kín. Bạn nên chú ý chỉ sử dụng những hộp đựng thức ăn đã được qua kiểm định an toàn cho việc đông lạnh.

Thời hạn của thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh và tủ đông còn phụ thuộc vào mỗi loại thức ăn và điều kiện bảo quản chúng. Do đó, tốt nhất là nên hạn chế tối đa thời gian dự trữ thực phẩm trong tủ lạnh và tủ đông.