Quy mô nhỏ, doanh nghiệp Việt Nam "sức khỏe" yếu?

ANTD.VN - Tổng cục Thống kê cho rằng, quy mô vốn doanh nghiệp nhỏ chưa phản ánh hết "sức khỏe" của doanh nghiệp Việt Nam. 

Doanh nghiệp vừa và nhỏ có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế

Tổng cục Thống kê cho biết, quý I-2018, cả nước có 26.785 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 278,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nếu tính cả 485,5 nghìn tỷ đồng của gần 7,9 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế trong quý I-2018 là 764 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, quý I năm nay, cả nước có 8.449 doanh nghiệp quay lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I lên hơn 35,2 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I là 225,4 nghìn người, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhiều ý kiến cho rằng, với quy mô vốn như trên, một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có "sức khỏe" yếu, khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh hội nhập.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2017) vừa được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố nhận định: "Các doanh nghiệp Việt Nam thiếu khả năng phát triển lên quy mô lớn.

Theo số liệu điều tra PCI năm nay, chỉ có 11% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người mua hàng quốc tế và chỉ 14% bán cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Những con số này cho thấy khu vực tư nhân đang chủ yếu sản xuất cho thị trường trong nước.

Do vậy, thách thức chủ yếu hiện nay là làm thế nào để tăng quy mô của những doanh nghiệp nội địa này và tạo điều kiện để họ hội nhập tốt hơn cùng các doanh nghiệp nước ngoài và nâng cao được giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc giảm thủ tục hành chính đã khiến môi trường đầu tư thuận lợi hơn, kéo theo số doanh nghiệp thành lập mới tăng rất mạnh. Trong 2 năm 2016-2017, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh và đà tăng trưởng này tiếp tục trong quý I năm nay.

"Qua nghiên cứu thông tin từ cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), số lượng doanh nghiệp tăng nhanh nhưng cơ cấu của doanh nghiệp trong các ngành nghề hầu như không thay đổi. Vẫn có khoảng 30% số doanh nghiệp đăng ký mới hoạt động trong khu vực thương mại dịch vụ và khoảng 20% doanh nghiệp đăng ký mới hoạt động nằm trong khu vực công nghiệp và xây dựng, cho thấy cơ cấu doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hoạt động trong nền kinh tế cơ bản nằm trong khu vực dịch vụ là chính. 

Hai là khoảng 98% doanh nghiệp đăng ký mới có quy mô vốn và quy mô lao động rất nhỏ. Tuy nhiên, để đánh giá về "sức khỏe" của doanh nghiệp thông qua các tiêu chí này thì cần nghiên cứu thêm"- ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Bích Lâm, sức khỏe của doanh nghiệp thể hiện thông qua nhiều tiêu chí, đặc biệt là kết quản sản xuất kinh doanh. Nếu chỉ quan sát doanh nghiệp thành lập mới ở lĩnh vực nào, số vốn khi thành lập là bao nhiêu, lao động là bao nhiêu thì chưa thể hiện hết "sức khỏe" của doanh nghiệp, bởi lẽ thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi thì phần lớn doanh nghiệp thuê lao động ít.

Mặt khác, với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước gần đây thì số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn cũng là điều dễ hiểu.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhân mạnh: "Đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế quan trọng". 

Nhiều chuyên gia kinh tế của Việt Nam cũng nhìn nhận, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam "như đội quân thuyền thúng", khó cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Muốn vươn ra "biển lớn", cần có biện pháp hỗ trợ để đội quân này "khỏe mạnh" và hoạt động hiệu quả hơn.