Quy hoạch ga Hà Nội: Bộ Giao thông thống nhất bảo tồn nhà ga hiện có

ANTD.VN - Liên quan tới Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, Bộ GT-VT đề nghị làm rõ cơ sở lập quy hoạch và bổ sung chi tiết vấn đề tổ chức giao thông.

Quy hoạch ga Hà Nội: Bộ Giao thông thống nhất bảo tồn nhà ga hiện có ảnh 1

Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận đề xuất công trình cao khoảng 40-70 tầng

Làm rõ cơ sở lựa chọn phạm vi quy hoạch

Bộ GT-VT vừa có văn bản góp ý đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, tỷ lệ 1/2000. Theo văn bản này, Bộ GT-VT thống nhất về các lý do và sự cần thiết phải lập quy hoạch.

Bộ GT-VT đánh giá, đồ án Quy hoạch được lập khá công phu, nhiều nội dung nghiên cứu khá chi tiết, đã có mối liên hệ mật thiết với định hướng quy hoạch phát triển GT-VT Hà Nội và các dự án phát triển đường sắt có liên quan khu vực ga Hà Nội (Dự án tuyến ĐSĐT số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi và tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội)…

Tuy nhiên, khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận là trung tâm và là cửa ngõ giao thông quan trọng của thành phố, vì vậy Đồ án cần có sự so sánh đối chiếu cụ thể các chỉ tiêu và các tác động của Đồ án với quy hoạch chung của TP.

Mặt khác, đây là đồ án quy hoạch có tác động lớn đến việc bảo tồn kiến trúc cổ, ảnh hưởng lớn cảnh quan và cấu trúc đô thị Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội cần làm việc hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về kiến trúc, quy hoạch và lịch sử để hoàn thiện Đồ án.

Bộ GT-VT cũng cho rằng, Đồ án tập trung bố trí đáp ứng nhu cầu giao thông công cộng khu vực ga Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội cần căn cứ lộ trình thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển GT-VT của các lĩnh vực (nhất là lộ trình hoàn thiện mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và hệ thống giao thông công cộng tại khu vực ga Hà Nội) để dự kiến lộ trình thực hiện Đồ án bảo đảm tính khả thi; hạn chế đến sinh hoạt và cuộc sống người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong khu vực quy hoạch.

Cần đề xuất cụ thể về tổ chức giao thông khu vực ga

Riêng về lĩnh vực GT-VT, Bộ GT-VT cho rằng, hiện nay TP Hà Nội đang bị quá tải về hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông khi mật độ dân cư đô thị và phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng, trong khi hạ tầng giao thông chậm phát triển. Do đó, cần rà soát kỹ khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải khi dân số quy hoạch tại đồ án này là 220% so với nhiệm vụ được duyệt và 120% so với hiện trạng.

Đồ án cũng chưa tính toán, kỹ lượng khách ra/vào khu vực đầu mối giao thông các khu vực thương mại trong phạm vi quy hoạch, nhất là khi hình thành các trung tâm thương mại tập trung tại khu vực này; chưa tận dụng, khai thác triệt để không gian ngầm khu vực ga Hà Nội.

Theo quan điểm của Bộ GT-VT, với vai trò là đầu mối giao thông đa phương tiện của thành phố, kết hợp với các trung tâm thương mại, mật độ giao thông của khu vực quy hoạch sẽ tăng lên rất nhiều so với số dân cư thường trú dự báo, cũng như so với mật độ giao thông như hiện nay.

Vì vậy, Bộ GT-VT đề nghị cần rà soát các số liệu điều tra khảo sát hiện trạng về dân cư, mật độ giao thông trên các tuyến đường trong khu vực quy hoạch cũng như các tuyến giao thông kết nối vùng quy hoạch với khu vực lân cận để đảm bảo liên thông vận tải toàn thành phố.

Đồng thời, cần phân tích tính toán kỹ về dự báo nhu cầu vận tải khu vực quy hoạch để đảm bảo tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông, cũng như năng lực đáp ứng của các loại hình vận tải so với nhu cầu hành khách tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, cần lưu ý theo quy hoạch phát triển GT-VT, ga Hà Nội còn được xác định là ga của tuyến đường sắt tốc độ cao, vì vậy đề nghị cần nghiên cứu bổ sung dự báo lưu lượng hành khách của tuyến đường sắt tốc độ cao phân bổ cho khu vực quy hoạch.

Bộ GT-VT cũng thống nhất với việc bảo tồn nhà ga Hà Nội hiện tại và có bổ sung các công năng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai. Mặt khác, Bộ GT-VT cũng đề nghị rà soát nhu cầu vốn đầu tư, trong đó làm rõ cơ cấu các nguồn vốn để thực hiện quy hoạch theo hướng vốn ngân sách trung ương chỉ tập trung đầu tư các công trình đường sắt quốc gia; đối với các công trình, hạng mục còn lại từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác…

Về vấn đề xây công trình cao tầng, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc quy hoạch ga Hà Nội xây cao bao nhiêu tầng là do Hà Nội kiểm soát không gian đô thị mà lập nên. Còn Bộ GT-VT chỉ đề nghị Hà Nội cần chỉ rõ ra cơ sở tại sao lại lập một quy hoạch như vậy, tức là phạm vi quy hoạch như vậy trên cơ sở nào.