Quy hoạch báo chí: Không cần nhiều, chỉ cần "tinh"

ANTĐ - Sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo tinh thần gọn nhẹ hơn là cần thiết song phải đảm bảo mục tiêu thúc đẩy báo chí phát triển “tinh” hơn. Đó là  vấn đề được các ĐBQH tập trung góp ý khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Báo chí (sửa đổi) chiều 14-11.

Quy hoạch báo chí: Không cần nhiều, chỉ cần "tinh" ảnh 1Bộ trưởng Bộ TT-TT  Nguyễn Bắc Son phát biểu tại phiên thảo luận dự thảo Luật Báo chí sửa đổi

Chưa chấp nhận báo chí tư nhân

Tại tổ Hà Nội, phần phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son được chờ đợi đặc biệt bởi Bộ TT-TT chính là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật này. Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, một trong những điểm nhấn quan trọng là Luật Báo chí (sửa đổi) tiếp tục thể hiện rõ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Dẫn chứng hiện trên thế giới mới chỉ 21 nước có Luật Báo chí, nhiều nước lớn cũng chưa có Luật này, Bộ trưởng Bộ TT-TT khẳng định: “Nước ta là một trong những nước có nhiều cơ quan báo chí, chỉ riêng báo in đã có khoảng 848 tờ. Tất cả các tỉnh, thành đều có đài phát thanh truyền hình. Chúng ta có đầy đủ hệ thống báo chí. Điều đó cho thấy tự do báo chí ở nước ta được thể hiện rất rõ”.

Tuy vậy, Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cũng phải thể hiện được quan điểm xây dựng báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

 Phát biểu trước đó, một số ĐBQH bày tỏ sự băn khoăn về việc dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này không đưa chế tài xử phạt, phạm vi điều chỉnh đối với các trang thông tin điện tử, truyền thông xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phân tích, nếu đưa các chế tài với các loại hình nói trên vào Luật Báo chí thì vô hình trung là chúng ta thừa nhận báo chí tư nhân. Trong khi đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã xác định rõ báo chí của ta là báo chí cách mạng, không thương mại hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng báo chí, tự do báo chí nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật. 


Tăng quyền tự chủ cho cơ quan báo chí

Vấn đề quy hoạch báo chí cũng là chủ đề được nhiều ĐBQH quan tâm. Các ĐB Trần Thị Diệu Thuý và Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (tổ TP HCM) cho rằng, theo quy hoạch báo chí thì cơ quan báo in có chủ quản là các tỉnh uỷ các địa phương; các bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên phải  tính đến đặc thù ở một số lĩnh vực, một số địa phương. ĐB Thuận Hữu (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu), Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, quy hoạch báo chí phải theo hướng giảm dần đầu mối, tăng quyền tự chủ lên cho các cơ quan báo chí, còn nếu vẫn mở rộng đối tượng ra thì không bao giờ quản lý được.

Thông tin kỹ hơn tới các ĐB về vấn đề này, tại tổ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết,  hiện tại, cùng với việc xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) thì Bộ TT-TT cũng đang triển khai đề án quy hoạch báo chí, giữa 2 nội dung này có sự thống nhất, ăn nhập với nhau nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng báo chí, trên tinh thần tổ chức cơ quan báo chí gọn nhẹ, giảm thiểu cấp ngân sách cho cơ quan báo chí.

 “Hiện nay có quá nhiều cơ quan báo chí sống vào ngân sách Nhà nước. Nhà nước cấp tiền in báo rồi lại bỏ tiền ra mua. Đó là thực tế mà chúng ta vẫn tồn tại, duy trì. Bộ Chính trị đã kết luận quy hoạch báo chí rất quan trọng và thực hiện với tinh thần dễ làm trước, khó làm sau, thí điểm từ nay đến năm 2025” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Một số đại biểu cũng đề nghị việc sửa đổi Luật Báo chí lần này cần tạo điều kiện tối đa cho các cơ quan báo chí phát triển để đáp ứng yêu cầu thông tin của nhân dân cũng như thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và diễn đàn cho nhân dân. Một số ĐB khác đề nghị phải ưu đãi 10% thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho cả báo điện tử, miễn thuế giá trị gia tăng về các sản phẩm quảng cáo, phát hành cho cơ quan báo chí. 

Nhiều ĐBQH đề nghị quy định về chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí cần phải cân nhắc lại cho phù hợp. ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh (tổ Hà Nội) góp ý, nên quy định chức danh của người đứng đầu cơ quan báo chí tùy thuộc đặc thù, tính chất, quy mô từng cơ quan báo chí.

Cụ thể, đối với các cơ quan truyền thông báo chí đa phương tiện, đài tiếng nói, truyền hình, thông tấn xã thì người đứng đầu gọi là Tổng giám đốc, giám đốc, dưới đó có Tổng biên tập, còn với các cơ quan báo tin thuần túy vẫn chỉ nên để chức danh Tổng biên tập như hiện nay. 

Loại bỏ ngay cơ chế xin - cho  trong tiếp cận thông tin

Cũng trong ngày 14-11, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Tiếp cận thông tin. Hầu hết ĐBQH đề nghị việc ban hành luật này phải đảm bảo thuận lợi, thông thoáng cho người dân trong tiếp cận thông tin của các cơ quan nhà nước. 

ĐB Nguyễn Đình Quyền (tổ Hà Nội) phân tích, dự thảo luật quy định “công dân là chủ thể được tiếp cận thông tin” là chưa đầy đủ bởi bất cứ một đối tượng chủ thể nào, từ các cơ quan, tổ chức hay báo chí cũng đều phải có quyền được tiếp cận thông tin và quyền này không làm phương hại gì đến các quan hệ xã hội mà Nhà nước bảo vệ.

Mặt khác, dự thảo Luật quy định tiếp cận thông tin theo 2 vế, một vế là các thông tin được công khai, vế còn lại là cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu, theo ĐB Nguyễn Đình Quyền, quy định như vậy chưa ổn. “Tôi cho rằng luật lần này nên đi theo vế thứ nhất, đó là quy định trình tự, cách thức, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan tạo ra thông tin công khai thông tin đó. Còn quy định thêm vế thứ hai về việc công dân yêu cầu cung cấp thông tin và Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thì không bao giờ thực hiện được, hơn nữa sẽ tạo ra cơ chế xin - cho trong cung cấp thông tin” - ĐB Nguyễn Đình Quyền nói.

Đồng quan điểm, ĐB Bùi Thị An góp ý, Luật này phải quy định theo hướng công khai tối đa các thông tin không bị cấm để dân được tiếp cận, tức là trong luật phải quy định rõ các nội dung thông tin được cung cấp, được tra cứu, trừ các thông tin cần hạn chế như đối ngoại, an ninh quốc phòng… Đồng thời cần làm rõ chế tài xử lý đối với các đối tượng trì hoãn cung cấp thông tin để đảm bảo tính khả thi, minh bạch khi triển khai.