Quy định trần lãi suất không quá 20% tổng tiền vay: Hạn chế vay nặng lãi, tín dụng đen

ANTĐ - Bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Ngô Văn Minh - Ủy viên thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy định cụ thể trần lãi suất không vượt quá 20% tổng số tiền vay sẽ hạn chế được việc cho vay nặng lãi, giảm bớt nạn “tín dụng đen” đang lộng hành.

Quy định trần lãi suất không quá 20% tổng tiền vay: Hạn chế vay nặng lãi, tín dụng đen ảnh 1
- PV: Hiện nay 2 phương án về trần lãi suất trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được thảo luận tại Quốc hội vừa qua vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, xin ông cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?

- ĐB Ngô Văn Minh: Đây là vấn đề nhiều ĐBQH cũng như các cơ quan chức năng rất quan tâm. Thực tế, từ năm 2009 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không công bố thay đổi lãi suất cơ bản. Trong quá trình soạn thảo, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản đề nghị không quy định dẫn chiếu lãi suất cơ bản để áp dụng trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đó là điều hợp lý vì quy định lãi suất cơ bản là để điều hành chính sách tiền tệ vĩ mô, lúc nào cần mới điều chỉnh chứ không phải điều chỉnh định kỳ 6 tháng, 1 năm… nên nếu dẫn chiếu thì sẽ không phù hợp với thực tế.

Chúng tôi đã tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của các ĐBQH, và đưa ra trần lãi suất không vượt quá 20% trên tổng tiền vay. Điều này để tạo điều kiện cho các cơ quan thực thi pháp luật dễ xử lý khi có tranh chấp xảy ra. Vượt quá trần đó là cho vay nặng lãi và sẽ bị xử lý theo Bộ luật Hình sự. Điều này đảm bảo quyền lợi cho người yếu thế, chống cho vay nặng lãi và tạo cơ chế, chế tài xử lý “tín dụng đen” đang lộng hành trên thị trường tín dụng…

- Thưa ông, trong dự thảo luật hiện nay chưa nói rõ là trần lãi suất sẽ không áp dụng với các tổ chức tín dụng, điều này có được bổ sung trong thời gian tới không?

- Quy định trần lãi suất không vượt quá 20% trên tổng khoản tiền vay nhưng trừ các tổ chức được quy định trong các luật khác. Mọi lãi suất phải theo quy luật của thị trường. Nguyên tắc của Bộ luật Dân sự đã quy định rõ là tự do thỏa thuận, tôn trọng quy định của đôi bên. Và chúng ta không thể dùng quy định của Bộ luật Dân sự để áp đặt lãi suất cho tất cả các tổ chức tín dụng mà phải theo các luật chuyên ngành về các tổ chức tín dụng. Quy định như thế sẽ phù hợp hơn.

- Xin cám ơn ông!