Quy định tại Thông tư 01/2016/TT-BCA: Phù hợp với thực tiễn cuộc sống

ANTĐ - LTS: Sau khi Báo An ninh Thủ đô đăng bài “Không nên đánh đồng giữa huy động và trưng dụng tài sản” phân tích rõ về quy định CSGT được quyền trưng dụng tài sản trong khi thi hành công vụ tại Thông tư 01/2016/TT-BCA, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận. Đa số cho rằng đây là quy định cần thiết, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thực tế cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia giao thông, nhất là trong những hoàn cảnh đặc thù hoặc tai nạn giao thông.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Việt Đức: Quy định thiết thực trong cấp cứu người bệnh

Quy định tại Thông tư 01/2016/TT-BCA: Phù hợp với thực tiễn cuộc sống  ảnh 1

Trong trường hợp có người bị tai nạn giao thông trên đường, khi xe cứu thương không đến kịp hoặc thời điểm đó không có phương tiện nào để khẩn cấp đưa người gặp nạn vào viện cấp cứu, việc cho phép lực lượng cảnh sát giao thông có quyền trưng dụng phương tiện, tài sản của người dân để kịp thời đưa người bệnh đi viện là rất cần thiết. Đặc biệt, tại các thành phố lớn, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, nếu cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng các phương tiện đưa người bệnh đi cấp cứu, trưng dụng các phương tiện có thể sơ cứu bệnh nhân, hay điện thoại để liên lạc với bệnh viện, phối hợp với các y bác sĩ để cấp cứu bệnh nhân chắc chắn sẽ đảm bảo được hiệu quả cao nhất. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp nạn nhân bị tai nạn rơi vào tình trạng nguy kịch, đưa đến cơ sở y tế chậm thì cơ hội được cứu sống, điều trị thành công càng giảm, thậm chí vào cấp cứu chỉ chậm ít phút là đã tử vong. 

Tôi ủng hộ quy định này, song vấn đề là phải ứng dụng như thế nào cho đúng, linh hoạt chứ không nên lạm dụng.        

   

Nguyễn Phan (Ghi)

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia: Làm rõ hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ

Liên quan đến Thông tư 01 của Bộ Công an quy định về việc lực lượng CSGT được trưng dụng tài sản trong quá trình thực thi nhiệm vụ, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia bày tỏ, hiện nay, hệ thống pháp luật đã có các quy định rõ ràng về việc này, nhất là về điều kiện và những người có thẩm quyền quyết định thực hiện việc trưng dụng tài sản.

Cụ thể, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật Công an nhân dân, Nghị định 106/2014/NĐ-CP của Chính phủ cũng như các văn bản dưới luật khác đều có quy định về việc này. Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan tổ chức khi xảy ra TNGT phải dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn; người điều khiển phương tiện khác đi qua nơi xảy ra tai nạn phải có trách nhiệm chở người bị tai nạn đi cấp cứu…

Thông tư 01 của Bộ Công an cũng như các văn bản của các bộ, ngành khác có hướng dẫn về việc này nhằm làm rõ hơn về trách nhiệm cũng như nghĩa vụ của người dân cũng như của lực lượng thực thi pháp luật. 

Trước lo ngại của dư luận về sự lạm quyền, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, không chỉ lực lượng CSGT mà bất kỳ lực lượng thực thi nhiệm vụ nào khi áp dụng việc trưng mua, trung dụng tài sản của nhân dân đều phải chấp hành đầy đủ các yêu cầu, quy định của pháp luật. “Cần phải làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền phổ biến đến người dân về quy định này, đặc biệt là những điều kiện, thủ tục khi lực lượng thực thi trách nhiệm trưng dụng tài sản để người dân biết, hiểu và ủng hộ, góp phần làm tốt hơn công tác đảm bảo trật tự ATGT, cũng như trong đấu tranh phòng chống tội  phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội” - ông Khuất Việt Hùng nói.

Ngân Tuyền (Ghi)

Khi thực thi nhiệm vụ rất cần sự tương trợ của nhân dân 

Quy định tại Thông tư 01/2016/TT-BCA: Phù hợp với thực tiễn cuộc sống  ảnh 3

Thượng tá Lê Đức Đoàn được người dân hỗ trợ dập tắt đám cháy xe ô tô trên cầu Chương Dương

“Khoản 6 điều 5 của Thông tư 01/2016 không phải là quy định mới mà đã được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân, nhắc lại những quyền hạn, nhiệm vụ, nghĩa vụ của lực lượng CSGT cũng như người dân trong công tác đảm bảo ANCT, ANTT, TTATXH. Điều này cũng thể hiện mối quan hệ khăng khít, bền chặt, sự tương trợ, giúp đỡ giữa lực lượng công an với nhân dân.

Trong những trường hợp đi trên quốc lộ, đường cao tốc, vùng biên cương hoặc ở những nơi điều kiện phương tiện đi lại, liên lạc khó khăn, nếu gặp các sự cố ngoài ý muốn mà không kịp thời huy động người, phương tiện, kỹ thuật của người dân để cứu giúp người bị nạn thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề. Trong nhiều trường hợp, người bị nạn đã được cứu sống khi chúng ta huy động kịp thời phương tiện đưa họ đến bệnh viện cấp cứu sớm vài phút...

Với trường hợp của tôi, để cứu nhiều người có ý định lên cầu Chương Dương tự tử, tôi cũng cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của đông đảo nhân dân. Trong suốt quãng đường hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Công an nói chung và CSGT nói riêng không ngừng được nhân dân che chở, bảo vệ, giúp đỡ và việc huy động con người, phương tiện, kỹ thuật... cũng là một yếu tố quan trọng để lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Thượng tá, Công dân Thủ đô ưu tú Lê Đức Đoàn,
nguyên cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội

Nên đặt mình vào vị trí những người cần giúp đỡ

“Việc lực lượng Công an hay CSGT trong trường hợp khẩn cấp, nghiêm trọng như thiên tai địch họa mà cần huy động phương tiện, tài sản, nhân - vật lực để phục vụ nhiệm vụ đảm bảo ANCT, ANQG, TTATXH là điều hết sức bình thường. Mỗi người dân đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Những người thực thi nhiệm vụ hơn ai hết càng phải làm gương. CSGT đi làm nhiệm vụ đều có quy trình, kế hoạch cụ thể, đã được chỉ huy đơn vị phê duyệt. Lực lượng Công an nói chung và CSGT nói riêng cũng phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng mạo danh.

Vì thế, sẽ không có chuyện các đối tượng không phải là CSGT dễ dàng mạo nhận để lừa đảo, huy động phương tiện, thiết bị của người dân để làm những việc trái quy định pháp luật.Trong quá trình tham gia giao thông, tôi cũng không ít lần chứng kiến các vụ TNGT. Là một công dân, khi được CSGT yêu cầu hỗ trợ, huy động, tôi đều cố gắng giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ cũng như người bị nạn trong khả năng của mình. Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí là người thân, anh em, bạn bè của những người bị nạn thì mới thấy việc CSGT huy động người dân, phương tiện để giúp đỡ những người đó mới thật ý nghĩa, đáng quý và nhân văn như thế nào”.

Ông Hoàng Quốc HùngGiám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ giao nhận TNT