Quy định sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép không có tác dụng với rượu “nút lá chuối“

ANTĐ - Để quản lý lượng bia, rượu được sản xuất và tiêu thụ, Chính phủ đã ban hành hẳn Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát, được lập cho giai đoạn 10 năm và xét đến 10 năm tiếp theo. Dù vậy, Quy hoạch này cũng không thể chạm tới hàng trăm triệu lít rượu “nút lá chuối” bán trôi nổi khắp mọi nơi, hiện diện trong mọi gia đình Việt Nam. Và để đưa thứ rượu này vào “vòng quản lý”, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó rượu thủ công được coi là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ quy định sản xuất “phải có giấy phép” này. Đến nay, Nghị định đã đi vào thực tiễn được tròn 2 năm, nhưng xem ra việc bắt người nấu rượu đi đăng ký giấy phép sản xuất rượu thủ công, chẳng hề dễ hơn các cuộc vận động tuyên truyền người dân hạn chế uống rượu bia. 
Quy định sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép không có tác dụng với rượu “nút lá chuối“ ảnh 1

Người nấu, người bán vẫn vô tư

Dịp cận Tết này, quán tạp hóa của chị Thủy ở phường Định Công, quận Hoàng Mai dán thêm tờ giấy in to đùng trước cửa: “Bán rượu nếp quê”. Rượu ấy chị lấy từ một người chú chuyên nghề nấu rượu nổi tiếng mấy đời ở Hưng Yên. Rượu đóng từng can, chả có nhãn mác gì, ai mua bao nhiêu thì rót ra bấy nhiêu, ấy vậy mà nghe bảo rượu quê thì mấy ông bợm nhậu còn thích gấp vạn lần những loại rượu hàng “công ty”, đóng chai, có bao bì nhãn mác tử tế. Chị Thủy bảo những người sành rượu đã uống rượu quê thì không thể nạp được mấy thứ rượu của các công ty lớn kia, thành ra có người mua xong một lần lại đặt thêm mấy chục lít uống Tết hay biếu tặng, có năm dịp Tết chị bán được gần 500 lít, còn túc tắc mỗi ngày cũng bán được một vài chục lít. 

Theo quy định của Bộ Công thương, thì tất cả những hộ kinh doanh có bán rượu như gia đình chị Thủy phải có giấy phép, và giấy phép phải được cấp trên cơ sở khống chế số lượng tính trên đầu dân của từng địa bàn. Cụ thể là 1 giấy   phép bán buôn/100.000 dân; 1 giấy phép bán lẻ/1.000 dân. Thế nhưng bản thân chị Thủy chưa bao giờ nghĩ đến việc mình cần phải xin giấy phép và cũng chả có cơ quan nào yêu cầu hay kiểm tra hoạt động bán rượu của gia đình chị. 

Tương tự như hoạt động kinh doanh rượu thủ công, các hộ sản xuất rượu thủ công gần như cũng nằm ngoài vòng kiểm soát của mọi quy định. Gia đình bà Nguyễn Thị S (xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) có truyền thống nấu rượu 3 đời nay, trung bình mỗi ngày bà nấu khoảng 40-60 lít rượu, phần lớn bán cho các nhà hàng, các đại lý ở Hưng Yên và Hà Nội và người quen quanh làng, họ hàng thân quen, lãi khoảng 200 nghìn đồng mỗi ngày. Khi hỏi làm sao biết rượu nhà bà nấu có đảm bảo chất lượng hay không, bà S khẳng định rượu bà thì chẳng có gì để bàn, vì bà nấu hoàn toàn bằng gạo nếp thơm, ủ bằng men lá (men thuốc bắc). Rượu nhà bà nặng trên 50 độ, có thể nướng mực thay cồn được, thế nên thứ rượu này những người sành rất thích mua để uống hoặc ngâm các loại, biếu Tết. Còn nói về việc có giấy phép sản xuất hay không thì bà S nói: “Trước cũng nghe thấy trên đài truyền thanh nói phải đăng ký giấy phép gì đó, nhưng tôi cũng chỉ nghe câu được câu chăng, cũng chả thấy ai hướng dẫn thủ tục ra sao nên trước làm thế nào thì giờ vẫn làm vậy”. Nghĩ một lúc rồi bà nói thêm: “Mà ông nhà tôi chở hàng ra ngoài Hà Nội cũng phải lựa lúc mà đi, có lần gặp công an, người ta cũng hỏi nguồn gốc giấy tờ xuất xứ rượu rồi lập biên bản tịch thu”.

Khó cho cả cơ quan quản lý

Làng Yên Viên (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vốn nổi tiếng với đặc sản rượu làng Vân, nghề nấu rượu truyền thống ở đây đã duy trì hơn 300 năm nay. Hiện số hộ tham gia nấu rượu thường xuyên trong làng là 300 hộ, sản lượng rượu bình quân của một hộ là 40 lít/ ngày; tổng sản lượng cả làng khoảng 12.000 lít/ ngày. Mặc dù đã được công nhận làng nghề sản xuất rượu thủ công nhưng tính đến thời điểm này, làng nghề mới có một cơ sở được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là HTX Vân Hương, UBND huyện cũng mới cấp 3 giấy phép  cho 3 cơ sở đại diện làng nghề sản xuất rượu là HTX Vân Hương và 2 hộ gia đình khác, cùng với đó là 1 giấy phép bán lẻ rượu. Công suất của các hộ này chỉ vào khoảng 1 triệu lít/năm trên tổng số gần 4 triệu lít của cả làng, số rượu còn lại chủ yếu bán tự do trên thị trường. 

Theo ông Lê Đức Hậu, Phó phòng Công thương huyện Việt Yên thì số hộ nấu rượu bán tự do trên thị trường và không có giấy phép chiếm phần lớn số hộ trong làng nghề, chỉ những cơ sở muốn xây dựng thương hiệu nhằm mục đích kinh doanh, đưa sản phẩm rượu của mình mở rộng thị trường mới đi đăng ký cấp giấy phép, các hộ còn lại chủ yếu bán qua các mối quan hệ quen biết. Sở dĩ các hộ không đi đăng ký vì thủ tục cấp giấy phép khá phức tạp, hơn nữa tiêu chí phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hoá sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật hiện hành thì hầu như rất ít hộ đáp ứng được. Đối với rượu thủ công, dù nguyên liệu đầu vào chất lượng, nhưng muốn bảo đảm các thông số như etanol, methanol... thì rượu sau khi nấu phải được chưng cất qua hệ thống lọc khử. Hệ thống lọc khử cỡ nhỏ hiện được bán trên thị trường có giá khoảng vài chục triệu đồng/bộ, với quy mô sản xuất và tiêu thụ hiện tại, khó có hộ sản xuất nào dám bỏ tiền để mua hệ thống này để đáp ứng tiêu chuẩn cấp giấy phép. 

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ ở một xã nấu rượu nổi tiếng cho biết khi Nghị định 94 được huyện phổ biến đến xã, xã cũng chẳng biết làm gì ngoài việc phát loa tuyên truyền đến người dân. Cán bộ xã thì đến 1/3 gia đình có làm nghề nấu rượu mà còn không đăng ký thì người dân ai đi đăng ký. Hơn nữa trước đây không có giấy phép thì rượu của họ vẫn bán được, nay xin giấy phép thì họ có bán được hơn không. Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng khẳng định thêm, nếu thực sự muốn đưa rượu thủ công vào quản lý thì cần có những chế tài mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn nếu đã tuyên truyền, vận động mà dân vẫn không tự giác thực hiện thì chính quyền phải làm gì, có được xử phạt hay không?. “Mà tôi nói thật, dù có chế tài xử phạt đi chăng nữa nhưng nếu quy định đưa ra không phù hợp, gây khó khăn, phiền hà cho người dân thì cũng khó đi vào cuộc sống” – cán bộ này cho biết.

Riêng đối với việc kinh doanh rượu thủ công, đa phần rượu thủ công được tiêu thụ tại các quán nhậu, các cửa hàng tạp hóa có bán kèm thêm rượu nên việc thống kê chi tiết số hộ kinh doanh và yêu cầu họ đăng ký là rất khó khăn. Bên cạnh đó, mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng nếu áp dụng cho các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ có kinh doanh kèm rượu thủ công không có giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hết hiệu lực rất khó áp dụng trong thực tế.

Siết là cần, nhưng siết thế nào?

Uống rượu đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người dân Việt Nam và nó cũng là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nan y, nhiều cái chết thương tâm. Vì vậy, hạn chế uống rượu là việc cần thiết, trong đó, ngoài tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân thì việc siết chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu là cần thiết. Có thể thấy các quy định về việc cấp giấy phép cho các hộ sản xuất kinh doanh rượu thủ công là hoàn toàn đúng, nhưng có lẽ nó chưa phù hợp với thói quen sản xuất, tiêu dùng của người Việt. Người sản xuất, kinh doanh rượu ngại thủ tục, ngại thay đổi đã đành, nhưng chính người tiêu dùng cũng chả quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng cái thứ rượu mình nạp vào người hằng ngày ấy thì việc quản lý rượu chắc chắn vẫn còn gặp khó khăn. Rượu nấu xong đã bán đi rồi, người uống có gặp vấn đề gì thì cũng chả biết ai là người sản xuất mà bắt đền, và người sản xuất ra nó thì cũng chả biết là rượu của mình có an toàn hay không.

Quy định đã có rồi, rất cần thêm các chế tài xử phạt, rất cần đẩy mạnh công tác hậu kiểm để đưa thứ hàng hóa cần hạn chế này vào khuôn khổ. Nên chăng cần kiểm tra có chọn lọc, lựa chọn những cơ sở có quy mô, sản lượng lớn để kiểm tra trước và yêu cầu tuân thủ các quy định. Có như vậy, các hộ nấu rượu mới có động lực để hoàn thiện điều kiện sản xuất, kinh doanh để những chai rượu bán ra trên thị trường được đảm báo về nguồn gốc, chất lượng.