Quy định mới về dạy thêm, học thêm mới chỉ cấm được trên... văn bản

ANTĐ - Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố quy định mới về dạy thêm, học thêm (DTHT). Với quy định này, nhìn chung việc dạy thêm sẽ bị cấm. Song thực tế, dường như quy định vẫn chưa có hiệu lực bởi  tình trạng DTHT  vẫn diễn ra tràn lan.  Nhiều ý kiến còn cho rằng: cấm cho có.

Nhiều kẽ hở

Theo quy định mới về DTHT vừa được Bộ GD&ĐT công bố, việc tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa bị cấm, không dạy thêm đối với học sinh được học 2 buổi một ngày, học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống). Sau giờ lên lớp, giáo viên không được dạy thêm cho học sinh mình đang giảng dạy chính khóa (trừ khi có sự đồng ý của hiệu trưởng). Hiệu trưởng sau khi tiếp nhận đơn phải phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học. Các lớp học thêm phải đảm bảo học lực của học sinh tương đương nhau. 

Như vậy, chỉ cần có đơn tự nguyện xin học của phụ huynh là hoàn toàn có thể DTHT. Trên thực tế, thầy cô giáo tổ chức dạy thêm và có thông báo với phụ huynh, không phụ huynh nào không đăng ký tự nguyện học. Việc học thêm này thường được tổ chức ở nhà cô giáo, nhà học sinh hoặc thậm chí giáo viên hoặc phụ huynh thuê hẳn địa điểm vào những ngày nghỉ và buổi tối. 

Điểm đáng lưu ý của quy định mới là giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra DTHT nhưng có thể tham gia giảng dạy ở các trung tâm. Như vậy, thì giáo viên ngoài biên chế, hưu trí, thôi việc… mới có thể là người tổ chức DTHT. Có vẻ như quy định này sẽ mở ra một loại dịch vụ mới: Tổ chức lớp DTHT ngoài trường học cho HS tiểu học, THCS, tương tự các trung tâm luyện thi. Giáo viên biên chế có thể được dạy thêm tại những trung tâm này nhưng phải qua khâu… trung gian.

Chuyện thường ngày ở huyện

Tình trạng DTHT ở mọi cấp học đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện từ nhiều năm nay. Thậm chí ngay cả đến học sinh mầm non cũng phải… học thêm. Biết bao văn bản được đưa ra nhưng rút cục vẫn đâu hoàn đấy. 

Từ nhiều năm nay, người dân khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đã quá quen với việc cứ chiều thứ 7, chủ nhật, nhà một cô giáo xin được giấu tên lại tấp nập học sinh đến… học thêm. Cô dành hẳn một tầng 3 với diện tích 30 m2 để dạy thêm. Anh Nguyễn Mạnh Hà, phường Thành Công, Ba Đình, phụ huynh học sinh cho biết: Cứ cuối tuần, hai bố con lại phải lặn lội từ Thành Công xuống đây để học thêm. Mặc dù rất thương con học cả ngày ở trường, đến ngày nghỉ cũng không được nghỉ. Nhưng nếu không cho con học thêm do lớp cô dạy, điểm kiểm tra thường thấp vì đề tài nằm trong nội dung dạy thêm. 

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, cứ hết giờ học buổi chiều thứ 2, 4, 6, bé Hạnh, học sinh lớp 2 trường Tiểu học N.T, quận Cầu Giấy lại cặm cụi đến nhà cô học thêm đến tận 7 giờ tối. Chị Hương, mẹ bé Hạnh cho biết: Mình không muốn con bị phân biệt đối xử nên khi cô thông báo mở lớp dạy thêm tại nhà, mình đăng ký ngay. Tất cả mọi phụ huynh đều thế. Lớp chia làm 2 ca, một ca học ngày chẵn, một ca học ngày lẻ. Mỗi tháng học phí là 1 triệu đồng.

Một số trường tiểu học ở Hà Nội có khá nhiều kiểu dạy thêm khác nhau. Ngoài việc dạy thêm vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần, giáo viên còn tổ chức dạy thêm ngay sau giờ tan học buổi chiều. Ngoài ra, có trường tiểu học còn dạy thêm dưới hình thức mở các câu lạc bộ, sử dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của trường để tổ chức dạy thêm. Nghe qua câu lạc bộ thì tưởng là hình thức trẻ thư giãn, vui chơi nhưng thực chất là dạy Toán, Tiếng Việt nâng cao. Những trường tiểu học học một buổi một ngày thì giáo viên thuê luôn nhà dân xung quanh trường để tổ chức dạy thêm một buổi nữa cho học sinh như trường L.N.H (Q. Hai Bà Trưng), B.V.Đ (Q.Đống Đa). Điều đáng nói là rất nhiều địa điểm mà giáo viên thuê để dạy thêm thường chật chội, thiếu ánh sáng và không khí. 

Thậm chí học sinh mầm non, cấp học bé nhất cũng phải…quay quắt học thêm. Chị Nguyễn Thu Hà, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm có con học lớp 5 tuổi nhưng mỗi tuần phải đưa con đi học thêm 3 buổi tại trường Tiểu học Cổ Nhuế để đọc thông tính thạo trước khi vào lớp 1. Ngày chủ nhật, cháu lại tiếp tục cắp sách đi học… tính nhẩm. Chị Hà cho biết, tất cả mọi người đều thế, mình thương con không cho đi học thêm, sau này con thua các bạn, còn khổ hơn. 

Vì lo sợ điểm thấp, bị cô “trù” nên hầu hết phụ huynh đều phải làm đơn tự nguyện đăng ký xin cho con đi học thêm. Nhất là học sinh bậc THCS, kết quả 4 năm học là điểm xét tuyển rất quan trọng để tuyển sinh vào lớp 10. Vì thế học sinh hầu hết không thể không học thêm các lớp do cô giáo các bộ môn đó dạy.

Về phía giáo viên, có cầu ắt có cung. Cô Nguyễn Mai Hương, một giáo viên tiểu học cho biết: Nhu cầu HTDT là có thật. Nền giáo dục của ta còn nặng chuyện điểm số, thi cử, chương trình học quá nặng. Nếu không học thêm thì học sinh khó có thể nắm chắc cơ hội vào đại học. Vì vậy để con học giỏi ngay từ những cấp học đầu tiên, phụ huynh vô tình đã gây áp lực cho trẻ. Thêm vào đó, nếu không học thêm, học sinh bị điểm thấp, cô giáo lại bị khiển trách. Thực tế tại Hà Nội, giáo viên dạy các môn chính như Tiếng Việt, Toán cấp tiểu học có thu nhập từ việc dạy thêm gấp nhiều lần các cấp học lớn hơn. 

“Sự tự nguyện buồn cười”

Thực tế những năm qua, ngành Giáo dục liên tục đưa ra các quy định quản lý việc HTDT nhưng thực tế chỉ “cấm” được trên  văn bản, còn thực tế cuộc sống vẫn xảy ra. Bà Nguyễn Thị Như Hoa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cổ Nhuế B cũng cho biết: DTHT vẫn tồn tại. Bộ GD-ĐT phải có chế tài mạnh, tạo hành lang pháp lý giúp người lãnh đạo quản lý được việc HTDT. Thêm vào đó, khi đã đưa ra văn bản, phải có sự kiểm tra nghiêm túc. Một hiệu trưởng trường tiểu học quận Cầu Giấy cũng cho rằng: Trên thực tế chúng tôi không quản lý được, nói nhiều thì giáo viên ghét. Vì vậy dù là lãnh đạo nhà trường nhưng chúng tôi cũng thấy thật sự khó khăn trong việc quản lý.

Theo GS.Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường DL Lương Thế Vinh cho biết: “Trước hết cần phân biệt DTHT do nhu cầu và DTHT ép buộc. Nếu học sinh muốn nâng cao trình độ tiếng Anh ra trung tâm học. Nếu tôi mở lớp học thêm, những học sinh có nhu cầu đến đăng ký tham gia. Đây là những nhu cầu thực tế không thể cấm được. Tuy nhiên, nếu giáo viên ở trên lớp dạy qua loa, khó hiểu để mở lớp học thêm ở nhà; bài kiểm tra trên lớp thường nằm ở phần học thêm nhà cô thì việc này cần chấn chỉnh. Nếu hiệu trưởng quản lý chặt sẽ ngăn chặn được việc DTHT tràn lan”. Tuy nhiên, Giáo sư Văn Như Cương cũng cho rằng chuyện cô giáo phát đơn, hoặc yêu cầu phụ huynh viết đơn thể hiện sự tự nguyện là: “Sự tự nguyện rất buồn cười”.

Tại quy định mới về DTHT cũng nêu rõ ai có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký, trong đó cam kết hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ giảng dạy ở trường, thực hiện nghiêm các quy định DTHT. Còn phụ huynh muốn cho con học thêm các môn cho phép phải viết đơn xin học. Quy định này cũng có nghĩa là đã tạo một khe cửa cho việc DTHT và đồng nghĩa với việc cấm dạy thêm sẽ mất tác dụng bởi thực tế việc yêu cầu một cô giáo viết cam kết để được dạy thêm và một phụ huynh viết đơn để thể hiện sự tự nguyện con mình mong muốn được học thêm là… quá đơn giản.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để hạn chế việc DTHT phải giảm tải chương trình. Bên cạnh đó, đồng lương giáo viên hiện nay vẫn được coi là quá thấp, khó đảm bảo cuộc sống. Vì vậy để tăng thu nhập, họ không còn cách nào khác phải mở lớp dạy thêm. Từ hàng nghìn lý do phía giáo viên, phụ huynh, ngành Giáo dục lại quản lý không chặt, khiến việc văn bản ra nhưng thực thi không hiệu quả mà việc cấm DTHT mới chỉ là cấm trên văn bản mà thôi.