Quy định cứu nạn giao thông đường thủy còn quá cứng nhắc

ANTĐ -  Sáng nay, 21-5, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa.

Sáng nay 21-5, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ).

Sau đó các Đại biểu Quốc hội đã cùng thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Chìm phà ở Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh)

Theo đó, đa số ý kiến nhất trí việc cần mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh áp dụng đối với hoạt động giao thông trên vùng nước không phải đường thủy nội địa, nhằm phù hợp với đặc điểm của hệ thống sông ngòi, hồ, đầm, phà,… và phù hợp với điều kiện KT-XH ở nước ta hiện nay.

Về cứu nạn, cứu hộ GTĐTNĐ, theo các đại biểu, để đảm bảo công tác cứu nạn, cứu hộ không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có chức năng mà là vấn đề chung của cộng đồng, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định khuyến khích việc tham gia cứu nạn, cứu hộ và chính sách của Nhà nước đối với người cứu nạn bị thiệt hại tính mạng và tài sản.

Có ý kiến đề nghị nên bổ sung quy định cụ thể về cơ quan cứu nạn GTĐTNĐ, công tác phối hợp, tổ chức hoạt động cứu nạn và nhiệm vụ, chế tài liên quan trong quá trình thực hiện cứu hộ, cứu nạn.

Đại biểu Trương Minh Hoàng, Cà Mau cho rằng, cần rút ngắn thời gian cứu hộ cứu nạn vì đây là hành động cao cả, nhân đạo mà hiện quy định trong dự thảo luật khá chặt chẽ và cứng nhắc. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình, Vĩnh Long cũng cho rằng, sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn tiềm ẩn nhiều tai nạn, cần phải quy định rõ hơn việc cứu hộ cứu nạn cũng như cần quy định rõ số lượng người tối đa trên các tàu, thuyền nếu không việc chìm tàu phà rất nguy hiểm. 

Bên cạnh các ý kiến về công tác cứu nạn, nhiều đại biểu cũng kiến nghị, dự thảo luật cần bổ sung các quy định áp dụng pháp luật ngoài phạm vi luồng nước như hành lang bảo vệ luồng (do đặc điểm điều kiện tự nhiên của kênh ngòi ở nước ta). 

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, Thái Bình, hiện những khu vực ngoài luồng nước chưa được đưa vào quản lý nhưng vẫn có nhiều hoạt động khai thác diễn ra gây mất an toàn giao thông, an ninh, cần phải đưa vào dự thảo luật những quy định bổ sung. 

Ông Đỗ Văn Vẻ kiến nghị, dự thảo luật cần khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa hoạt động đường thủy nội địa, quy định bắt mua bảo hiểm vì đây là loại hình nhiều rủi ro. 

Ngoài những ý kiến trên, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung một số vấn đề như: việc đăng ký thêm chức năng vận chuyển nhà hàng trên sông; nghiên cứu về trách nghiệm của tổ chức cá nhân khi có tai nạn xảy ra;cần coi việc đảm bảo tính mạng an toàn cho người dân là trên hết, nghiên cứu mở rộng độ tuổi của thuyền viên, mở rộng quy định xã hội hóa, xin phép, cấp phép đảm bảo quyền công dân...