Quy định của pháp luật về việc xử lý hành vi đua xe trái phép gây tai nạn giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Em gái tôi khi tham gia giao thông bị một đối tượng 15 tuổi đua xe gây tai nạn. Gia đình của người gây tai nạn nói rằng vì cháu chưa thành niên nên không phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật và thỏa thuận bồi thường 2 triệu đồng. Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho em gái mình? Hoàng Văn Hùng (Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội)
Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh (Phòng 305 - Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh (Phòng 305 - Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Luật sư trả lời: Căn cứ khoản 2, 3, Điều 34, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép như sau:

“2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.

3. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô trái phép”.

Do đó, hành vi đua xe là hành vi vi phạm quy định pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Tại điểm a, khoản 1, Điều 5, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý”. Như vậy, người đua xe gây tai nạn 15 tuổi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi đua xe trái phép.

Mặt khác, trong trường hợp hành vi đua xe trái phép gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 266, Bộ luật Hình sự về Tội đua xe trái phép. Tuy nhiên, theo khoản 2, Điều 12, Bộ luật Hình sự về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định như sau: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.

Trường hợp người gây tai nạn do hành vi đua xe trong độ tuổi 15 tuổi thì chỉ chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 266, Bộ luật Hình sự khi hành vi có cấu thành tội phạm quy định tại khoản 2, 3 và 4, Điều 266:

Hành vi đua xe trái phép gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Hành vi đua xe trái phép gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

e) Tham gia cá cược;

g) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;

h) Tại nơi tập trung đông dân cư;

i) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;

k) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 2 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên”.

Ngoài ra, người gây tai nạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Thiệt hại trong trường hợp này là thiệt hại về tài sản (chi phí sửa chữa phương tiện bị hư hỏng do tai nạn) và thiệt hại về sức khỏe (chi phí chữa trị, bồi dưỡng và phục hồi sức khỏe; phần thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại...). Người gây tai nạn 15 tuổi phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình (khoản 2, Điều 586, Bộ luật Dân sự).

Để bảo vệ quyền lợi cho em gái mình, bạn nên làm đơn tố cáo hoặc khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định pháp luật.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.