Quy định của pháp luật về việc đổi tên đệm trong giấy khai sinh

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Con gái tôi đi xem bói, khi trở về một mực đòi đổi chữ đệm của tên, vì nghe “thầy” nói phần đệm của tên sẽ cản trở đường làm ăn, khó phát đạt. Xin hỏi, con gái tôi trên 20 tuổi, vậy có được phép đổi tên đệm không và cơ quan nào sẽ thực hiện việc này? Với những giấy tờ trước kia như bằng tốt nghiệp cấp III, đại học… cháu sẽ phải làm gì để đảm bảo sự thống nhất? Lê Thùy An (Hà Nội)

Nếu thay đổi tên đệm thì đồng nghĩa với việc phải thay đổi giấy khai sinh cùng toàn bộ các giấy tờ khác liên quan đến nhân thân (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Theo quy định của pháp luật thì mọi hồ sơ giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con thì phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó. Cụ thể, theo Luật Hộ tịch năm 2014 thì Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh. Tương tự, tại Điều 6 - Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân”.

Như vậy là nếu con bạn thay đổi tên đệm thì đồng nghĩa với việc con bạn phải thay đổi giấy khai sinh cùng toàn bộ các giấy tờ khác liên quan đến nhân thân của con bạn và việc thay đổi họ, chữ đệm, tên là phải có lý do chính đáng chứ không thể căn cứ vào lời của thầy bói. Từ Luật Hộ tịch, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về quyền được đổi tên.

Theo đó, pháp luật quy định một trong những lý do để đổi tên được hiểu là: Họ, tên đó gây nhầm lẫn (tên viết thiếu dấu trong giấy khai sinh, tên sai chính tả, đặt nhầm…); tên khai sinh gây ảnh hưởng đến tình cảm gia đình (tên trùng với người trong họ hàng, gia đình, tên không được sự đồng ý của nhiều người trong gia đình, tên trùng với bạn bè cùng lớp, đồng nghiệp cùng nơi làm việc gây nhiều ảnh hưởng…). Và trong trường hợp này cần phải có được giấy tờ chứng minh tên của người họ hàng mà con bạn bị trùng tên. 

Luật sư Đặng Văn Sơn,Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự (Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Tiếp đến là tên, họ ảnh hưởng đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó (tên dễ bị trêu chọc, tên gây hiểu lầm, tên có ý nghĩa không tốt, tên gây bất tiện trong giao tiếp…); muốn đổi từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại; đổi lại họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính; đổi tên theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con... Việc thay đổi họ, tên cho người dưới 18 tuổi, được thực hiện theo yêu cầu của cha, mẹ; người từ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó và người từ đủ 18 tuổi có thể tự đổi tên cho mình.

Về thẩm quyền cải chính hộ tịch thì được quy định tại Điều 27 và Điều 46 - Luật Hộ tịch năm 2014. Cụ thể là UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước. UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của người nước ngoài có thẩm quyền giải quyết việc cải chính, bổ sung hộ tịch đối với người nước ngoài đã đăng ký hộ tịch tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

UBND cấp huyện nơi người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã đăng ký hộ tịch trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc. Và UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước hoặc xác định lại dân tộc.

Ngoài những quy định và lý do nêu trên, bạn cũng cần lưu ý khi đổi họ, chữ đệm và tên của con đã trên 14 tuổi. Bởi từ độ tuổi này trở đi, mỗi người thường phát sinh rất nhiều các giấy tờ liên quan đến nhân thân mà khi đổi tên thì việc thay đổi các giấy tờ đó là rất khó khăn, nhất là một số giấy tờ không thể cấp lại được.